Đừng để mất làng nghề gốm Hương Canh

09:36' - 07/02/2016
BNEWS Giá trị sản phẩm gốm Hương Canh ngày nay vẫn được ưa chuộng, nhiều sản phẩm giờ đây đã được cải tiến, được cách điệu, đa dạng hoá mẫu mã và có chỗ đứng ở những nơi trang trọng

Nhiều năm qua, sản phẩm gốm Hương Canh của người dân thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn được người tiêu dùng các tỉnh, thành trong nước đánh giá cao. Cho dù ngành sản xuất đồ dùng gia dụng có một bước tiến vượt bậc, nhất là khi đồ nhôm, đồ nhựa, vật liệu thủy tinh, sứ, thép, nhưng sản phẩm gốm vẫn có chỗ đứng .

Theo những người già ở thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh kể lại, làng gốm Hương Canh có lịch sử hình thành hơn 300 năm với những sản phẩm truyền thống nổi tiếng là chum, vại, nồi, niêu, ấm chén, tiểu, ống nước... Thiên nhiên đã ban tặng cho người Hương Canh vùng nguyên liệu quý tại quê hương này. Người làm nghề ở đây cần mẫn và óc sáng tạo.

Đất sét - loại nguyên liệu chính của Hương Canh dẻo và có nhiều màu như: xám, vàng, đỏ, nâu… rất thích hợp cho việc làm gốm. Nhiều sản phẩm nung già, khi gõ có tiếng kêu vang và chắc nhưng không bị nứt, không bị méo và đựng nước không rò rỉ.

Giá trị sản phẩm gốm Hương Canh ngày nay vẫn được ưa chuộng, nhiều sản phẩm giờ đây đã được cải tiến, được cách điệu, đa dạng hoá mẫu mã và có chỗ đứng ở những nơi trang trọng trong như các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, khuôn viên các ngôi nhà đẹp, khách sạn, nhà hàng sang, đứng trên sập gụ, tủ chè đóng vai trò như đồ mỹ nghệ, đồ trang sức.

Cuối năm 1958, Hợp tác xã thủ công Tam Đồng được thành lập nhằm quy tụ những người làm nghề gốm, sau này đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh, ban đầu có 220-230 người tham gia sản xuất gốm theo kế hoạch tập trung.

Ông Nguyễn Thanh, người thôn Lò Cang từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Hương Canh cho biết, sau khi được thành lập giai đoạn phát triển nhất của gốm Hương Canh là vào khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1971. Thời gian này, những sản phẩm gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, do một số yếu tố tác động, gốm Hương Canh có những bước thăng trầm, sản phẩm của gốm Hương Canh có thời gian dài giảm đáng kể về sức tiêu thụ. Nguyên nhân do mẫu mã đơn điệu, công tác quản lý và điều hành chậm đổi mới, đội ngũ thợ làm nghề đông nhưng thiếu thợ giỏi để vượt qua khó khăn trước đòi hỏi mới ngày càng cao, nhất là đa đạng hóa sản phẩm.

Đặc biệt, sự xuất hiện của đồ nhựa, đồ kim loại, đồ sứ, thủy tinh... bắt đầu đa dạng, phong phú và tràn ngập thị trường với giá cả rẻ là nguyên nhân chính khiến cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm gặp khó. Thời điểm ấy, người làm nghề vẫn biết khó khăn này là nhất thời bởi những sản phẩm gốm có giá trị riêng của gốm, nhưng khổ nỗi chẳng còn ai tiếp tục nuôi dưỡng làng nghề và thời bao cấp đã hết.

Năm 1987, Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, người dân Hương Canh chuyển từ sản xuất gốm sang sản xuất ngói lợp để mưu sinh. Ít năm sau đó, cả Hương Canh có hàng trăm lò ngói hoạt động suốt ngày đêm, khói than phủ trắng thôn xóm. Nạn khai thác đất ruộng đồng diễn ra tràn lan và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Trước tình hình đó, năm 1997, chính quyền địa phương bắt đầu thắt chặt việc sản xuất ngói với mong muốn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khắc phục tình trạng khai thác đất nông nghiệp tràn lan. Người làm gốm ở Hương Canh lúc này chung một suy nghĩ sẽ không còn có cơ hội theo nghề truyền thống của mình.

Người Hương Canh có một đánh giá tổng quát: Gốm Hương Canh có lúc thăng trầm, khó mở rộng, lúc phải giải thể... là do cơ chế chính sách, do tác động của chuyển đổi cơ chế nhất thời, chứ không phải sản phẩm chất lượng yếu kém, không phải người dân chán mà bỏ nghề. Có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời thì làng gốm Hương Canh đã vượt qua tất cả khó khăn, kể cả những hạn chế nội tại mà các làng nghề trong nước đều phải trải qua và tự đổi mới.

Sau một thời gian dài mất nghề, những người thợ giỏi, những nghệ nhân yêu nghề ở đây còn luyến tiếc muốn phục dựng lại nghề gốm vì cuộc sống mưu sinh mà còn mong lưu giữ nét văn hoá, nghệ thuật tinh hoa của tổ tiên.

Đầu những năm 2000, một số hộ dân Hương Canh đã quyết tâm đầu tư tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm, khôi phục lại nghề gốm và đã có 4 gia đình tiếp tục theo nghề sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ.

Điều đáng quan tâm là cả 4 cơ sở sản xuất gốm hiện nay đều đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang làm gốm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của thị trường kịp thời và kết quả sản xuất khá lạc quan, sản phẩm tiêu thụ ổn định. Mức thu nhập cơ sở nghề gốm ở Hương Canh từ 400 đến 500 triệu đồng/cơ sở/năm.

Tuy vậy, gốm Hương Canh vẫn đang khó khăn trong sản xuất, mở rộng quy mô vì thiếu một hoặc vài điều kiện cơ bản như mặt bằng, không có chỗ bày bán hàng, vốn đầu tư sản xuất...

Anh Hồng Quang, con trai ông Nguyễn Thanh, thôn Lò Cang cho biết, các hộ dân đang sản xuất gốm ở Hương Canh thiếu mặt bằng, nếu thuê mướn thợ bên ngoài vào thì không đủ chỗ làm hoặc phải chấp nhận chật hẹp; không đón thợ làm thì máy móc sắm đắt tiền bỏ không và đây là sự lãng phí lớn.

Trước những ý kiến nêu khó khăn của người làm nghề làng gốm Hương Canh, năm 2007 ngành chức năng tỉnh phối hợp với UBND thị trấn triển khai Đề án khôi phục làng nghề gốm Hương Canh, hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng tùy theo quy mô của lò gốm. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng đã tư vấn cho UBND tỉnh khu làm mặt bằng sản xuất...

Tuy nhiên, do chưa quy hoạch được mặt bằng sản xuất và khu khai thác đất sét nguyên liệu tập trung nên làng nghề hiện nay khó được mở rộng về quy mô sản xuất.

Nhiều gia đình ở Hương Canh có người biết nghề, giỏi nghề nay tuổi cao, sức yếu, nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển nghề này, trong tương lai sự truyền nghề từ thế hệ trước đến thế hệ sau ở các gia đình là rất hạn chế, lâu hơn nữa lao động trẻ ở các gia đình sẽ mất cơ hội làm nghề khi cha mẹ của mình qua đời.

Nghề gốm Hương Canh nếu không nhanh "tiếp sức" hiệu quả, kịp thời thì sẽ khó phát triển, lâm vào tình trạng "giậm chân tại chỗ" hoặc có thể là tụt lùi, thậm chí tệ hơn là "khai tử" làng nghề. Tiếc thay, những nhu cầu này của người làm nghề Hương Canh nhiều năm qua với Vĩnh Phúc chỉ là hứa hẹn suông, là những cụm công nghiệp làng nghề trên văn vản, trên giấy tờ.../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục