Đường thủy và đường biển sẽ là mục tiêu ưu tiên phát triển

11:26' - 18/01/2018
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất những cơ chế chính sách để làm sao phát triển được vận tải thủy, vận tải ven biển.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TTXVN

Năm 2017, chứng kiến ngành giao thông vận tải có nhiều thay đổi; trong đó có sự thay đổi về người đứng đầu Bộ. BNEWS đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải trong năm 2018.
BNEWS: Năm 2018, ngành giao thông vận tải sẽ gặp những khó khăn, thách thức nào trong quá trình thực hiện những mục tiêu kế hoạch phát triển, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Khó khăn lớn nhất của ngành giao thông vận tải hiện nay là thiếu vốn trầm trọng. Trong khi đó nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các khu cụm công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương là rất lớn. Do nguồn vốn khó khăn, nên trong năm 2018 ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hạ tầng rất ít.
Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn ODA, trước đây chúng ta tiếp cận dễ dàng hơn do được ưu đãi về mức lãi suất thấp. Nhưng hiện nay, chúng ta phải vay những nguồn vốn ODA có mức lãi suất cao nên xét về hiệu quả sử dụng nguồn vốn này sẽ thấp. Đặc biệt, lý do quan trọng hơn đó là nợ công của Việt Nam cũng đang ở mức báo động, gần kịch trần cho phép.

Do đó, việc vay các nguồn vốn nước ngoài cũng rất khó khăn. Bởi nếu tiếp tục vay nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ làm cho nợ công tăng vượt trần, đây là điều Quốc hội không cho phép. Vì vậy, càng làm cho nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông càng khó khăn.
Đối với nguồn vốn xã hội hóa, trong thời gian vừa qua chúng ta đã huy động một số nguồn lực tương đối tốt khoảng hơn 200.000 tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó có nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tuy nhiên theo các quy định của ngành ngân hàng thì mức trần cho vay trung hạn của các ngân hàng thương mại đã hết hạn mức.

Hiện nay ngân hàng muốn cho vay thêm để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông cũng không được phép vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tín dụng. Do vậy, việc huy động nguồn vốn xã hội, nguồn vốn ngân hàng cho đầu tư BOT giao thông không còn khả quan.
BNEWS: Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như Bộ trưởng đã chia sẻ, vậy hướng đi nào để giải quyết tình trạng này thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như phân tích ở trên, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đi theo hướng linh hoạt hơn.
Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng tiếp tục xem xét một số công trình hạ tầng giao thông có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao để đề xuất được vay ODA đầu tư.
Bên cạnh đó, một số tuyến lưu lượng lớn như đường cao tốc được xây dựng song hành với đường quốc lộ để người dân có quyền lựa chọn sẽ được kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT. Mặc dù việc kêu gọi này tôi cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn không được thuận lợi như thời gian vừa qua
Mấu chốt vấn đề của ngành giao thông vận tải hiện nay vẫn là thiếu vốn, vì vậy Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành những cơ chế chính sách đặc biệt để tạo ra những đột phá cho ngành giao thông. Có nghĩa là chính sách này hướng tới sự khuyến khích cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
BNEWS: Cụ thể, những cơ chế, chính sách này như thế nào thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tôi lấy ví dụ như hệ thống đường thủy nội địa hiện nay xét về tổng thể rất thuận lợi cho phát triển vận tải. Tuy nhiên, thời gian vừa qua thị phần của ngành này chưa đáp ứng được như kỳ vọng nếu so với tiềm năng sông ngòi dày đặc của nước ta. Thậm chí, có những giai đoạn ngành này còn bị giảm sút nghiêm trọng. 

Việc vận tải đường thủy phát triển kém, tôi cho rằng cũng có nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Do vậy, để phát triển đường thủy nội địa xứng tầm với tiềm năng của ngành này, Bộ Giao thông Vận tải định hướng sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế đặc biệt như: đề xuất một gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp vận tải thủy có vốn để đầu tư trang, thiết bị, phương tiện thủy. 

Khi mua được phương tiện, các doanh nghiệp này sẽ phải tự vận động để làm thế nào đưa được hàng xuống tàu. Khi đó, tức khắc sẽ có nhiều động lực và cơ hội cho ngành đường thủy phát triển. 

Tôi cho rằng cái được lớn nhất khi vận tải đường thủy phát triển là sẽ góp phần giảm được áp lực vận tải cho đường bộ.
Vấn đề thứ hai cũng được đánh giá sẽ là động lực của ngành vận tải thủy phát triển đó là cần tạo điều kiện hơn nữa cho việc thành lập mới các doanh nghiệp vận tải thủy. Cùng với đó nhà nước có những cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được các tư liệu sản xuất như mặt bằng, nhà kho, …
Song song với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích thành lập các tập đoàn, tổng công ty lớn về vận tải thủy, vận tải biển. Bởi hiện nay các doanh nghiệp vận tải thủy vẫn còn nhỏ lẻ, tiềm lực yếu kéo theo sức cạnh tranh cũng không cao.
Khi thành lập các tập đoàn, các doanh nghiệp nhỏ lẻ này có thể trở thành thành viên của Tập đoàn. Chúng ta có thể tưởng tượng một tập đoàn vận tải thủy có vài nghìn phương tiện thì sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh rõ rằng sẽ tốt hơn là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Lợi thế của các tập đoàn vận tải thủy là có thể cân bằng được các hoạt động kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cảng, bến thủy. Bởi theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay nhiều địa phương chưa có được các bến thủy và cảng tiếp nhận hàng hóa, đặc biệt là giao thông kết nối để hàng hóa xuống các cảng, bến thủy còn nhiều hạn chế.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư bến, bãi, cảng thủy và đường giao thông kết nối. Nếu có nhiều bến cảng thì sẽ có nhiều cơ hội cho việc phát triển vận tải thủy.
Nói tóm lại, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất những cơ chế chính sách để làm sao phát triển được vận tải thủy, vận tải ven biển.
Hiện nay, vận tải ven biển qua mấy năm hoạt động đã có khoảng 1.500 phương tiện, tuy nhiên quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải muốn đẩy mạnh số phương tiện phục vụ vận tải ven biển lên con số 5.000 – 6.000 phương tiện. Khi số lượng phương tiện này tăng thì sẽ vận chuyển container dọc theo ven biển, qua đó sẽ góp phần không nhỏ để giảm áp lực cho đường bộ.
Cơ chế cũng giống như đường thủy là sẽ phải có chính sách khuyến khích tư nhân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua phương tiện và kinh doanh hiệu quả từ đó trả vốn và lãi cho ngân hàng.
BNEWS: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục