Duy trì môi trường đầu tư mở, minh bạch và thân thiện từ EU

15:32' - 15/03/2018
BNEWS “Lễ công bố Sách Trắng và Triển vọng Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam năm 2018” đã diễn ra vào sáng 15/3 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Kỳ vọng Hiệp định tự do thương mại EVFTA 2018: 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài; 20 năm thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và 10 năm ra mắt Sách Trắng”, sáng 15/3, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp cùng Mạng lưới doanh nghiệp EU-Việt Nam (EVBN), Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức “Lễ công bố Sách Trắng và Triển vọng Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam năm 2018”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ công bố Sách Trắng 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của Chính phủ Việt Nam đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp EuroCham.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, "cách đây khoảng 20 năm khi mới thành lập chúng ta chỉ có 60 thành viên đến nay con số này đã tiếp cận con số 1.000 và chắc chắn sẽ còn gia tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới".
Cùng đó, Việt Nam đã có nhiều lợi ích thể hiện qua con số về tăng trưởng GDP, về số lượng mới được tạo ra hàng năm, số lượng nhà quản lý cao cấp…. Ngoài ra, còn có những lợi ích vô hình rất lớn, đó là sự đóng góp tạo lập một môi trường thể chế ngày càng gần gũi hơn với các chuẩn mực quốc tế.

Hơn nữa, môi trường kinh doanh cũng ngày càng trở nên thân thiện hơn thông qua việc ấn hành Sách Trắng và hôm nay đã ra đời của ấn phẩm thứ 10.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất và luôn sẵn sàng hành động nếu thấy thật cần thiết. Các bộ ngành sẽ tiếp tục đề xuất, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng những giải pháp thực hiện trước mắt, trung hạn cũng như lâu dài để đáp ứng những kiến nghị và đề xuất tâm huyết và hợp lý của doanh nghiệp."
Phó Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, nhiều đề xuất trong Sách Trắng sẽ được lưu ý trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA và nếu hiệp định này được đưa vào thực thi thì đương nhiên những đề xuất đó sẽ thành hiện thực.
Các nhà đàm phán với sự hỗ trợ của doanh nghiệp hai bên đã hoàn tất hiệp định vào tháng 12/2015 và đã hoàn tất quá trình rà soát pháp lý vốn rất phức tạp. Dù vẫn còn một số vấn đề thuần túy về kỹ thuật cần trao đổi thêm, nhưng với thiện chí và quyết tâm từ hai phía thì những vấn đề này sẽ được giải quyết xong trước mùa hè để tiến tới chính thức ký hiệp định và khởi động tiến trình phê chuẩn trong năm 2018.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với kim ngạch thương mại tăng hơn 12 lần, từ 4 tỷ USD (năm 2000) lên hơn 50 tỷ USD (năm 2017) và hàng ngàn dự án đầu tư của EU đang hiện diện tại Việt Nam và chắc chắn sẽ còn tăng thêm, chúng ta xứng đáng có một hiệp định mới, chất lượng cao và toàn diện. Từ đó, khai thác tối đa tiềm năng và nâng quan hệ giữa EU và Việt Nam lên tầm cao mới.
Không những thế, việc ký và phê chuẩn, đưa vào thực thi hiệp định này còn là một thông điệp hết sức quan trọng của EU và Việt Nam gửi ra thế giới về quyết tâm trong việc tạo dựng và duy trì một môi trường mở cửa và đầu tư trong bối cảnh xuất hiện nhiều.
Phó Thủ tướng hy vọng, trong thời gian tới EU sẽ tích cực tham gia vào tiến trình phê chuẩn hiệp định tại Liên minh Châu Âu để góp phần đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất có thể. Về phía Việt Nam cũng dành sự ưu tiên về kỹ thuật và triển khai những quy định cần thiết theo qui định của Việt Nam để Hiệp định EVFTA sớm được phê chuẩn và đi vào thực thi hữu hiệu nhất.
EVFTA là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam với 10 nước thành viên vừa mới ký kết cách đây ít ngày.

Cùng đó, EVFTA thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì môi trường mở, minh bạch, thân thiện với đầu tư nước ngoài và tuân thủ những quy tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam và cùng sự tham gia của tất cả cộng đồng doanh nghiệp EuroCham, sẽ có lễ kỷ niệm 25 năm thành lập EuroCham và 15 năm ra mắt Sách Trắng với qui mô hoành tráng hơn.
Ông Gellert Horvath, đồng Chủ tịch EuroCham khẳng định: Đây là dấu mốc quan trọng cho EuroCham. Ấn phẩm này đã gói gọn tầm nhìn và sứ mệnh của EuroCham; trong đó, trọng tâm là các hoạt động tư vấn pháp lý.
Năm 2018 là năm mà EVFTA được kỳ vọng ký kết và cũng kỷ niệm 30 năm thành lập Luật Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, Sách Trắng xuất bản lần thứ 10 ra đời đúng vào thời điểm rất nhiều lễ kỷ niệm, càng làm tăng trách nhiệm của EuroCham và các Tiểu Bang trong việc tìm kiếm các cơ hội đối thoại với các tổ chức thuộc Chính phủ, địa phương và các đơn vị liên quan.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho hay, "trong ấn phẩm này, chúng tôi dành riêng một chương về EVFTA và tầm quan trọng của Hiệp định này đối với doanh nghiệp và Chính phủ. Qua đó, chúng tôi tin tưởng rằng EVFTA không chỉ là Hiệp định dẫn chiếu cho Việt Nam trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu mà còn minh chứng châu Âu cũng là đối tác tin cậy của Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển bền vững, tính toàn diện và trách nhiệm xã hội-vốn là kim chỉ nam cho các hoạt động của châu Âu."
Việt Nam là điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu và năm 2018 là năm đầy cơ hội. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải cách và thay đổi lớn trong 10 năm qua.
Vì thế, các vấn đề và kiến nghị được nêu bật trong ấn phẩm Sách Trắng đã phản ánh đúng nội dung được quan tâm trước bối cảnh Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, dần kết nối với thị trường toàn cầu và có cơ hội lớn để phát triển cân bằng, bền vững và có trách nhiệm.

Ngài Đại sứ Bruno-Algelet, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN


Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam –EU đối với mối quan hệ song phương cũng như liên kết đầu tư giữa Việt Nam và Cộng đồng chung châu Âu.

Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng giữa các doanh nghiệp châu Âu với Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác tốt trong mọi lĩnh vực mà hai bên có thể hỗ trợ nhau với những chính sách, kế hoạch cụ thể.
Năm 2018 là năm đánh dấu những cột mốc lịch sử quan trọng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hội đồng chung châu Âu. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai mối quan hệ song phương giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do.
Việc xuất bản Sách Trắng đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những trăn trở, khúc mắc, giải pháp từ phía cộng đồng doanh nghiệp tới các đơn vị có thẩm quyền trong giai đoạn này.
Bởi theo Ngài Bruno Angelet, Sách Trắng (xuất bản lần thứ 10) tập hợp những quan điểm và góc nhìn của các công ty thành viên EuroCham hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ấn phẩm này đã gây được tiếng vang khi thể hiện nguyện vọng của các doanh nghiệp châu Âu trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển những khuôn mẫu pháp lý.

Đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh thịnh vượng ở Việt Nam vì lợi ích của tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội.

Toàn cảnh Lễ công bố Sách Trắng 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đã thảo luận các cơ hội mà Hiệp định EVFTA, dự kiến sẽ được phê chuẩn vào năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng trình bày các vấn đề về thương mại và đầu tư, các kiến nghị. Ngoài ra, đề xuất Chính phủ Việt Nam có hỗ trợ, hướng dẫn thông tin.
EVFTA được coi là một trong những hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Sau khi hiệp định đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD, chiếm 22% tổng GDP toàn cầu.

Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số hơn 90 triệu người.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thông qua EVFTA có thể giúp bổ sung khoảng 2,5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2020 và 4,6% vào 2025. Tuy nhiên, để có thể đạt được kỳ vọng, Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ EVFTA, đặc biệt là các vấn đề về khung pháp lý và môi trường đầu tư.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU trong ASEAN, chỉ xếp sau Malaysia và Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 ước tính khoảng 41 tỷ euro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục