ECB có thể tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi

11:54' - 18/11/2015
BNEWS Việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của ECB đối với các khoản tiền gửi của các ngân hàng có thể gây ra những tác động trái chiều đối với nền kinh tế Eurozone.
Ảnh minh họa. Nguồn: THX-TTXVN

Trong bối cảnh tình hình lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tiếp tục ở mức thấp (hiện vẫn ở mức 0%) và dự báo tăng trưởng chung toàn khối tiếp tục suy giảm (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 9/11 đã tuyên bố để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hang thành viên tại ECB (hiện đã là âm 0,2%) vào tháng 12 tới trong khuôn khổ cuộc họp các thống đốc ngân hàng trung ương Eurozone cuối năm.

Dư luận cho rằng, nếu ECB quyết định cắt giảm lãi suất thì khả năng mức cắt giảm sẽ là khoảng 10 điểm cơ bản (0,1%) và sẽ đưa mức lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ECB xuống tới mức thấp kỷ lục là âm -0,3%.

Tuy vậy, ECB sẽ vẫn để ngỏ khả năng hạ tiếp lãi suất để mở đường cho các biện pháp kích thích tiếp theo nếu việc cắt giảm lãi suất lần này không đem lại kết quả mong muốn.

Đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB sẽ tiếp tục làm giảm giá đồng euro và kích thích các ngân hàng bơm tiền cho nền kinh tế.

Động thái này đi ngược lại với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới trước những diễn biến tích cực mới nhất về việc làm và lạm phát của Mỹ.

Khó có thể nói đâu là "đáy" đối với khả năng cắt giảm lãi suất của ECB. Tại các nước Tây Bắc Âu, xu hướng các ngân hàng trung ương duy trì một tỉ lệ lãi suất âm đã có từ lâu.

Tại Đan Mạch, lãi suất đã được hạ xuống mức -0,75%, tại Thụy Điển còn thấp hơn với mức -1,1%, tại Thụy Sỹ là -0,75%. Như vậy, đích ngắm cho ECB vẫn còn rất rộng mở và khả năng ECB sẽ còn hạ lãi suất nữa vẫn không bị loại trừ.

Tuy vậy, việc duy trì lãi suất âm lớn cũng có thể tạo ra nguy cơ khiến người gửi rút tiền ồ ạt khỏi hệ thống ngân hàng và có thể gây ra một số khó khăn đối với hệ thống ngân hàng, nhất là trong vấn đề thanh khoản.

Việc cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ECB sẽ làm mặt bằng lãi suất chung giảm, khiến chi phí dòng tiền giảm, từ đó kích thích đầu tư và tiêu dùng. Đặc biệt, lãi suất giảm sẽ làm suy yếu đồng euro, từ đó hỗ trợ sự phục hồi kinh tế thông qua các kênh xuất khẩu.

Sự giảm giá trị của đồng euro thời gian qua đã giúp tình hình xuất khẩu toàn khối Eurozone tăng lên đáng kể và thặng dư thương mại trong tháng Tám đạt hơn 11 tỷ euro.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất xuống dưới 0% quá mức cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực. Chi phí lãi vay/dòng tiền quá thấp có thể gây bong bóng đầu cơ, trong đó có thị trường bất động sản.

Các ngân hàng sẽ phải cân đối lại cơ cấu dòng tiền của mình để tránh phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản gửi tại ECB, từ đó có thể dẫn tới sự dễ dãi trong các khoản cho vay và dẫn đến khủng hoảng nợ dưới chuẩn (một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008).

Đối với thị trường chứng khoán, việc cắt giảm tiếp 10 điểm cơ bản sẽ khiến lãi suất của các loại trái phiếu chính phủ Eurozone giảm và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, thanh khoản và dòng tiền dồi dào cùng với giá trị đồng euro giảm sẽ kích thích các thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục đà tăng trưởng hiện nay.

Việt Sơn (P/v TTXVN tại Paris)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục