EU: 60 năm sau ngày ký Hiệp ước Rome

07:19' - 27/03/2017
BNEWS 60 năm sau khi chính thức được thành lập, mặc dù đạt được một số thành tựu về xã hội nhưng nhiều người vẫn cho rằng châu Âu đã thất bại trong vấn đề hài hòa xã hội.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kỷ niệm 60 năm thành lập Liên minh châu Âu (EU) - tiền thân là Cộng đồng kinh tế châu Âu, là dịp để điểm lại những thành tựu nổi bật mà tổ chức này đã đạt được như việc đạt được tự do lưu thông trong bốn lĩnh vực gồm hàng hóa, dịch vụ, nhân lực và vốn.

Thời điểm ban đầu, một khu vực tự do thương mại chung gồm sáu nước thành viên cùng áp dụng một mức thuế suất với các nước thứ 3 được thành lập. Từ năm 1968, tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ cũng đã được áp dụng.

Tiếp sau đó, quyền tự do làm việc của người lao động bắt đầu được thực thi, nhưng vì tại thời điểm này việc công nhận bằng cấp giữa các nước còn chưa thống nhất nên thực chất mới chỉ liên quan đến những công việc không đòi hỏi trình độ cao.

Cho đến nay, tự do lưu thông về nhân lực đã thành hiện thực hoàn toàn sau khi đạt được sự thừa nhận bằng cấp giữa các quốc gia.
Sự tập trung trong lĩnh vực quản lý về cạnh tranh đã mang lại nhiều ưu thế cho EU. Ủy ban phụ trách cạnh tranh đã trở thành một trong số các cơ quan quyền lực quan trọng của Ủy ban châu Âu (EC).

Năm vừa qua, Ủy ban cạnh tranh đã yêu cầu công ty Apple khổng lồ của Mỹ trả tới 13 tỉ euro tiền trốn thuế cho nhà nước Ireland. Thẩm quyền phán quyết về cạnh tranh được coi là một thành công lớn của EC và quyền hạn này được duy trì một cách độc lập với quyền lực chính trị.
Với vai trò là trọng tài trong đảm bảo duy trì tự do cạnh tranh, EC có đầy đủ thẩm quyền đấu tranh chống lại các tập đoàn lớn, hỗ trợ các nhà nước thành viên hay ra phán quyết về việc mua bán - sát nhập các công ty mà không quan trọng nó thuộc nước nào.

Ví dụ như trường hợp hai công ty Mỹ muốn sát nhập cũng cần sự nhất trí của EC nếu muốn tiếp cận thị trường châu Âu.
Chính sách nông nghiệp chung (PAC) từ lâu cũng là lĩnh vực chiếm một vị trí ngân sách quan trọng của Cộng đồng kinh tế châu Âu.

Nếu PAC đóng góp vào việc đảm bảo duy trì nguồn cung cấp thực phẩm của châu Âu với giá cả ổn định, nhưng đôi lúc lại là nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng thừa như trong trường hợp của ngành sản xuất sữa và bơ vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Các mục tiêu xã hội ban đầu vốn không được xác định rõ ràng trong Hiệp ước Rome tạo ra Cộng đồng kinh tế châu Âu.

Khi hiệp ước được ký 60 năm trước, khía cạnh xã hội chưa phải là yếu tố được ưu tiên vì các nước đều tin rằng một nền kinh tế khỏe mạnh tất yếu sẽ dẫn đến tiền lương tăng theo. Vào thời điểm đó, các nhà đàm phán châu Âu đều nhất trí rằng đồng thuận kinh tế sẽ mang lại một sự hòa nhập xã hội tốt nhất.
Một điểm tiên tiến của Hiệp ước Rome đó là đặt trọng tâm vào một chính sách kinh tế chung. EC là cơ quan chịu trách nhiệm thay mặt các nước thành viên đàm phán các mức thuế quan với các nước thứ ba thông qua ủy quyền.

Ủy ban cũng chịu trách nhiệm đàm phán và thương lượng các Hiệp định thương mại giữa EU với các nước thứ 3 dựa trên sự ủy quyền của các quốc gia thành viên.
Một trong các mục tiêu lớn của Hiệp ước Rome là tiến tới một sự phát triển kinh tế hài hòa. Mặc dù đạt được một số thành tựu về xã hội nhưng nhiều người vẫn cho rằng châu Âu đã thất bại trong vấn đề hài hòa xã hội.

Với việc mở rộng sang phía Đông, sự bất bình đẳng đã và đang đặt ra những vấn đề lớn trong lòng EU. Sự chênh lệch trong đối xử giữa những người lao động từ các nước khác nhau hiện nay chính là nguyên nhân nảy sinh tư tưởng chối bỏ châu Âu trong một bộ phận người lao động.

>>> Đoàn kết là "con đường duy nhất" để EU tiếp tục phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục