EU cải cách thuế: Khi các đại gia công nghệ bị “sờ gáy” (Phần 2)

06:30' - 25/03/2018
BNEWS Có ý kiến chỉ trích cho rằng các chiến lược nhằm trốn thuế mà nhóm bốn hãng công nghệ GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple), sử dụng đã khiến chính phủ các nước EU thất thu hàng tỷ euro.
Khi các đại gia công nghệ bị “sờ gáy”. Ảnh minh họa: EPA

Pháp đề xuất việc đánh thuế các “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ dựa trên doanh thu mà họ thu được ở mỗi quốc gia châu Âu, chứ không phải là lợi nhuận tập trung tại các nước có mức thuế thấp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hồi tháng 9 năm ngoái đã công bố ý tưởng này và nhận được sự ủng hộ của khoảng 20 nước, bao gồm Đức, Italy và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, sáng kiến trên vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia như CH Cyprus, Malta, Ireland hay Luxembourg. Các nước này đã tận dụng được vai trò thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với thuế doanh nghiệp thấp để từ đó chuyển đổi nền kinh tế thành các trung tâm tài chính trong một thế giới toàn cầu hóa.

Các quốc gia thành viên EU giờ đây nhất trí rằng vấn nạn “né thuế” trên sẽ được giải quyết tốt nhất ở cấp độ quốc tế, trong các hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hoặc bởi OECD, để ngăn chặn một cuộc di cư công nghệ cao khỏi EU. Ủy ban châu Âu (EC) đã thừa nhận rằng luật thuế quốc tế cần một sự cải cách lớn.

Một mặt không loại bỏ đề xuất của Pháp, mặt khác EC muốn thúc đẩy một dự án cũ, vốn được bắt đầu từ năm 2011 song bị đình trệ do sự khác biệt giữa 28 quốc gia thành viên. Được khởi động lại vào tháng 10/2016, dự luật này có tên là Cơ sở Thuế Hợp nhất Chung (CCCTB) - một nỗ lực của Brussels nhằm củng cố cơ sở thuế của các công ty trên khắp EU.

Các nước thành viên EU đang xem xét và đánh giá dự thảo luật trên. Việc đánh thuế “nền kinh tế kỹ thuật số” được dự đoán sẽ nằm trong phạm vi của các quy tắc có thể được thông qua. Theo dự kiến, những “người khổng lồ” công nghệ lớn có thể đối mặt với mức thuế 3% trên tổng doanh thu, theo đề xuất mới đây của EC. Đề xuất này có thể sớm được thông qua.

Nếu nhận được sự hậu thuẫn của các nghị sĩ và các nước thành viên EU, luật thuế mới sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (924 triệu USD) và doanh thu để đóng thuế tại châu Âu trên 50 triệu euro. Ngoài Google, Facebook, các tập đoàn công nghệ lớn khác như Uber, Airbnb và Amazon cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi luật thuế mới.

Ngoài ra, trong thời gian tới các doanh nghiệp công nghệ cũng sẽ phải đối mặt với quy định mới của EU về hoạt động kinh doanh với các công ty nhỏ hơn sử dụng dịch vụ của họ trong bối cảnh Brussels tìm cách giảm bớt sức mạnh chi phối thị trường của các doanh nghiệp này.

EC đang soạn thảo một quy định mới nhắm tới các doanh nghiệp công nghệ như các trang web thương mại điện tử, cửa hàng ứng dụng trực tuyến và công cụ tìm kiếm, theo đó sẽ yêu cầu các doanh nghiệp này phải minh bạch hơn trong việc họ xếp hạng kết quả tìm kiếm và loại khỏi danh sách một số dịch vụ.

Tuy nhiên, vấn đề thuế doanh nghiệp này được cho là ngày càng trở nên phức tạp bởi một dự luật thuế của châu Âu chỉ được thông qua khi có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU hiện tại.

Bên cạnh các đề xuất của châu Âu nói trên, OECD đang nghiên cứu một giải pháp toàn cầu, dự kiến sẽ được trình bày tại hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 tiếp theo vào tháng 4/2018 ở Washington. Sáng kiến này sẽ có ý nghĩa đối với các nước châu Âu cũng như Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục