EU chưa tìm được lối thoát cho ngành sữa

09:01' - 18/05/2016
BNEWS Tại cuộc họp Hội đồng Nông nghiệp EU ngày 17/5 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia thành viên EU không đạt được thỏa thuận về việc triển khai biện pháp hỗ trợ nông dân sản xuất sữa.
EU chưa tìm được lối thoát cho ngành sữa. Ảnh: technologypeak

Theo đó, các quốc gia phản đối việc điều hành sản xuất sữa như Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Ireland, Đức, vẫn không hề thay đổi quan điểm. Ủy ban châu Âu (EC) lại chỉ cho phép thực hiện biện pháp này trên cơ sở tự nguyện nên không một quốc gia nào áp dụng vì mỗi nước đều lo ngại nếu nước láng giềng không thực hiện biện pháp này.

Điều phối tạm thời sản lượng sữa được cho là giải pháp duy nhất giúp đẩy tăng giá sữa hiện đang ở mức thấp tại thị trường châu Âu. Đây là quan điểm mà Bỉ và phần lớn các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ.

Chương trình nghị sự cuộc họp 28 Bộ trưởng Nông nghiệp EU tập trung vào hai điểm chính liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng ngành sữa: tình hình thị trường và việc triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân được quyết định từ hồi tháng Ba vừa qua.

Những con số trong ngành sữa mà Hội đồng Nông nghiệp đưa ra tại cuộc họp cho thấy rõ tình trạng sản xuất dư thừa trong EU. Sản lượng sữa trung bình trong tháng Một và tháng Hai tăng khoảng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, mức tăng được ghi nhận tại Bỉ và nhiều quốc gia khác là hơn 10%. Kể cả khi xuất khẩu sữa bột tăng 13% nhưng nếu giá vẫn “giậm chân tại chỗ” thì triển vọng của ngành sữa vẫn rất bi đát.

Liên quan đến các biện pháp hỗ trợ ngành sữa, Ủy viên EU phụ trách nông nghiệp Phil Hogan cho biết hồi tháng 9/2015, châu Âu đã giải ngân 420 triệu euro cho ngành sữa nhưng chỉ có 46% tổng số tiền được các quốc gia sử dụng.

13 quốc gia hiện vẫn không chi một đồng nào để hỗ trợ nhà sản xuất. Theo ông Hogan, những biện pháp hỗ trợ mới sẽ được thảo luận tại cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp EU diễn ra vào tháng Sáu tới.

Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp liên bang Bỉ Willy Borsus, EC có ý định tiến một bước xa trong tháng Sáu tới bằng cách phối hợp điều phối, nhưng biện pháp này vẫn sẽ không thể được triển khai nếu không có sự tham gia của các quốc gia “nặng ký”.

Nhận định về các biện pháp hỗ trợ ngành sữa được EC triển khai từ tháng 6/2015, ông Borsus cho rằng các biện pháp này đã không đảo ngược được xu hướng đi xuống của thị trường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp vùng Wallonie-Brussels (Bỉ) René Collin cảnh báo nông nghiệp châu Âu sẽ “đâm vào tường” nếu cứ cố từ chối thiết lập phương thức điều hành sản xuất cụ thể.

Bộ trưởng René Collin tỏ ý lo ngại cuộc họp vào tháng Sáu tới không có nhiều hy vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục