EU hỗ trợ ngành hàng không cạnh tranh với các đối thủ châu Á

12:17' - 08/12/2015
BNEWS Ngày 7/12, EC đã thông qua gói các biện pháp quan trọng nhằm trang bị tốt hơn cho ngành hàng không để đối phó với cuộc cạnh tranh đang ngày càng gia tăng của các quốc gia vùng Vịnh và châu Á.
Máy bay Air France đang trong hành trình. Ảnh: ilinkbooking.com

Những biện pháp hỗ trợ bao gồm các đề xuất đàm phán về các thỏa thuận hàng không với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar…

Những thỏa thuận thường được đàm phán song phương này sẽ đề ra địa điểm và tần suất mà một hãng hàng không nước ngoài có thể bay đến EU và ngược lại.

Tuy nhiên, đường tới việc đạt được thỏa thuận với các quốc gia vùng Vịnh chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do các “đại gia” châu Âu như Lufthansa và Air France KLM đã cáo buộc các hãng hàng không vùng Vịnh nhận trợ cấp không công bằng từ phía chính phủ và yêu cầu EC phải lưu ý đến vấn đề này trong các cuộc thảo luận.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic, ngành hàng không châu Âu đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Gói các biện pháp mới nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành này thông qua các biện pháp cho phép một thị trường hàng không nội bộ hiệu quả hơn nhằm đẩy mạnh tính kết nối nội khối và tạo ra cơ hội tại các thị trường nước ngoài.

Ủy viên châu Âu phụ trách vận tải Violeta Bulc nhấn mạnh chiến lược mới nhằm nâng cao vị thế của ngành hàng không châu Âu trên trường quốc tế.

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 7/12, bà Violeta Bulc nói: “Để đảm bảo rằng Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu ngành hàng không thế giới, chúng tôi muốn tạo lập các mối quan hệ mới trên thế giới để khai thác những thị trường mới”.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động của EC cũng hướng tới năng lực của các sân bay và yêu cầu các quốc gia thành viên EU hoàn thành chiến lược “Bầu trời chung châu Âu”.

Ngành hàng không châu Âu hiện có khoảng 2 triệu nhân viên và đóng góp hơn 110 tỷ euro vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Trong thời gian gần đây, các hãng hàng không của “Lục địa già” đang dần chuyển hướng sang thị trường châu Á để tìm kiếm thị phần để đối phó với sự bành chướng của các hãng hàng không vùng Vịnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục