EU: Lời giải nào cho bài toán bất bình đẳng kinh tế?

05:30' - 20/10/2017
BNEWS Dù đã 4 thập kỷ áp dụng chính sách gắn kết xã hội nhằm hạn chế chênh lệch phát triển giữa các vùng trong Liên minh châu Âu (EU), sự cách biệt giữa các khu vực dường như ngày càng trầm trọng.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là đánh giá của báo cáo gắn kết xã hội, một phân tích được công bố 3 năm một lần nhằm "bắt mạch sức khỏe kinh tế" của các khu vực thuộc châu Âu.
Theo trang mạng Euractiv, báo cáo năm nay chỉ ra những dấu hiệu đáng quan tâm về tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008. Dường như một số khu vực đã được giải thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, trong khi đó tình hình kinh tế tại một số khu vực khác lại chưa thấy có dấu hiệu hồi phục đáng kể.
Về tổng thể, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã làm tăng sự cách biệt về kinh tế giữa các vùng trong một quốc gia cũng như giữa các nước khác nhau. Hiện tượng đó đã gây ra những ảnh hưởng về chính trị khắp nơi trong Liên minh châu Âu (EU), từ Tây Ban Nha đến Đức.
Trong báo cáo kết quả điều tra, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề vùng Corinna Cretu đánh giá dù cuộc khủng hoảng kết thúc, nhưng nó đã để lại những "vết thương" khó lành tại nhiều khu vực và EU cần phải cố gắng gắn kết hơn nữa để khắc phục tình trạng trên.
Trong các cuộc bầu cử mới đây tại Đức, nhiều vùng nghèo thuộc Đông Đức cũ đã bỏ phiếu cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), trong khi đó đảng này không nhận được sự ủng hộ của cử tri tại các khu vực giàu có nằm ở phía Tây nước Đức.
Tại Tây Ban Nha, lời kêu gọi đòi độc lập cho vùng tự trị Catalunya đã một phần được thúc đẩy bởi những băn khoăn của các công dân về việc vùng đất giàu có này phải trợ cấp cho những vùng nghèo hơn nằm ở phía Nam đất nước. Những hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận tại một số quốc gia châu Âu khác như Italy hay Bỉ.
Việc giảm bất bình đẳng kinh tế giữa các vùng là một mục tiêu được châu Âu đưa ra từ những năm 1970 và điều này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết kể từ sau khi EU kết nạp thêm 10 thành viên thuộc khu vực Đông Âu trong giai đoạn 2004-2007. Mười năm sau, mục tiêu ưu tiên đã có nhiều thay đổi.
Báo cáo đánh giá của EC cho thấy trên thực tế, các vùng thuộc khu vực Đông Âu phần lớn đã đạt được mức tăng trưởng khá hơn so với các địa phương nằm ở khu vực Nam Âu. Trong giai đoạn 2008-2015, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng tại tất cả các vùng thuộc Đông Âu trong khi tỉ lệ này lại giảm ở hầu hết các vùng nằm ở khu vực phía Nam của châu Âu.
Vì thiếu đầu tư trong nhiều năm do buộc phải áp dụng chính sách tài chính khắc khổ, các quỹ gắn kết xã hội của EU đã trở thành nguồn quan trọng tài trợ cho các quốc gia Nam Âu rơi vào khủng hoảng. Người ta nhận thấy hiện nay, các vùng này vẫn chưa đạt được sự phục hồi khả quan như tại các khu vực giàu có của EU.
Báo cáo được đưa ra khá đúng thời điểm vì Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị một đề xuất cho việc phân bổ quỹ gắn kết xã hội cho giai đoạn ngân sách sau năm 2020. Một tài liệu của EC nêu thắc mắc liệu quỹ gắn kết sẽ chỉ tập trung cho những vùng kém phát triển về kinh tế?
Trong buổi khai mạc Tuần lễ các thành phố và vùng ngày 9/10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban các vùng Karl-Heinz Lambertz đưa ra đánh giá rằng ý tưởng này có thể đối nghịch với tinh thần chủ đạo của chương trình. Theo ông Karl-Heinz Lambertz, chính sách gắn kết phải bao trùm tất cả các đối tượng và tùy theo mức độ khó khăn của mỗi thành viên.

Người dân tham gia biểu tình phản đối cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp về vấn đề độc lập của vùng lãnh thổ Catalunya tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 30/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc giới hạn chương trình chỉ chủ yếu dành cho các vùng nghèo có thể gây mâu thuẫn và làm căng thẳng mối quan hệ giữa những địa phương đang ở trong tình trạng tụt hậu với các khu vực có nền kinh tế phát triển hơn vốn thường xuyên phàn nàn về việc phải đóng góp và hy sinh nhiều quyền lợi để hỗ trợ cho các đối tượng khác. EU cho rằng chính sách gắn kết không chỉ dừng ở việc tài trợ bằng tiền.
Chương trình cũng đặt mục tiêu cải thiện công tác quản trị ở cấp độ vùng, theo đó các khu vực có thể được nhận tài trợ nếu họ đáp ứng được các điều kiện tiên quyết.

Theo nghiên cứu của EU, các điều kiện này là động lực quan trọng thúc đẩy các nhà lãnh đạo địa phương thực hiện cải tổ trong các lĩnh vực như giáo dục, việc làm, y tế và trợ cấp xã hội. Tiến trình cải tổ dẫn đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các vùng và giúp chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn một cách tốt nhất.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, nghiên cứu mới nhất cũng tập trung vào các xu hướng xã hội và vấn đề dân số vốn đang gây lo ngại ở châu Âu. Báo cáo cũng chỉ ra rằng vào năm 2015, lần đầu tiên tăng trưởng dân số tự nhiên trong EU ghi nhận mức âm với số người chết vượt quá số trẻ em được sinh ra cùng thời gian.
Đây được cho là hiện tượng làm trầm trọng thêm các hệ lụy do làn sóng nhập cư từ cả bên trong lẫn bên ngoài EU gây ra đối với châu Âu. Trong hoàn cảnh đó, một số vùng nghèo nhất của Lục địa già lại tiếp tục chứng kiến cảnh người dân phải rời bỏ quê hương mình trong niềm hy vọng tìm thấy một tương lai tươi sáng hơn về kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục