EU, nước Anh và những hướng đi hậu Brexit (Phần II)

07:32' - 10/10/2016
BNEWS Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, yêu cầu được đặt ra với khối này là phải tăng cường sự đoàn kết, củng cố lại sức mạnh và lấy lại niềm tin.
EU, nước Anh và những hướng đi hậu Brexit. Ảnh: betanews.com

Anh trước trở ngại tiếp cận thị trường EU

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk cho biết nước Anh có thể sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức liên quan đến việc rời EU vào đầu năm 2017. Sau hội nghị bàn về tương lai của "lục địa già" hậu Brexit, ông Tusk cho hay EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc đàm phàn liên quan đến Brexit, song tôn trọng quyết định của London cũng như việc nước này cần thời gian chuẩn bị cho việc đàm phán chính thức.

Bên cạnh đó, một lần nữa, ông Tusk nhắc lại lập trường của Brussels rằng các cuộc đàm phán liên quan đến việc nước Anh rời EU sẽ chưa diễn ra chừng nào Điều 50 của Hiệp ước Lisbon chưa được kích hoạt. 

Các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ bảo vệ nguyên tắc của liên minh là nước Anh sẽ không được phép tham gia thị trường chung châu Âu nếu nước này chủ trương hạn chế sự di chuyển tự do của người lao động. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker nhấn mạnh không thể có sự thỏa hiệp từ phía EU nào liên quan đến vấn đề này.

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, cảnh báo rằng Slovakia cũng như các nước EU khác đều không chấp nhận bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với các công dân EU làm việc trong khu vực thị trường chung. Ông cho biết bốn nước Trung Âu gồm Slovakia, Hungary, Ba Lan và CH Czech, nhóm Visegrad hay còn gọi là V4, sẽ phủ quyết bất cứ thỏa thuận hậu Brexit nào giữa EU và Vương quốc Anh có thể gây ảnh hưởng đến quyền tự do sinh sống và làm việc tại Anh của công dân các nước này.

Nước Anh chưa tiết lộ hiệp định thương mại mà họ muốn ký với EU hậu Brexit sẽ gồm những gì, nhưng quan điểm ưu tiên hàng đầu của "xứ sở sương mù" là kiểm soát dòng người nhập cư từ EU vào Anh, và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cả hai bên.

Phát biểu trong phiên điều trần hôm 13/9 tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh quốc, ông David Davis, Bộ trưởng phụ trách Brexit, thừa nhận rằng nước Anh có thể sẽ phải rời khỏi liên minh mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào và nếu kịch bản này xảy ra, London sẽ phải quay trở lại với hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới.

David Davis, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit của Vương quốc Anh. Ảnh: EPA

Còn theo hạ nghị sỹ Công đảng Chuka Umunna, trưởng nhóm "Giám sát việc bỏ phiếu rời EU", khi đó xuất khẩu của nước Anh sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến nền công nghiệp của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo ô tô, bởi sau khi rời EU, ô tô của nước Anh xuất khẩu sang thị trường này có thể sẽ phải chịu mức thuế 10%.  

Và khi nước Anh ra khỏi EU, ngành nông nghiệp của nước này, vốn phụ thuộc vào những lao động thời vụ đến từ các nước thành viên khác của EU do lao động trong nước không còn chấp nhận mức lương thấp, đang phải đứng trước nguy cơ mất nguồn lao động này. Theo thống kê, ngành nông nghiệp nước Anh sử dụng khoảng 67.000 lao động thời vụ mỗi năm và hơn 80% số này đến từ các nước EU khác.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS), các lĩnh vực khác của nước này cũng phụ thuộc vào lao động châu Âu, với hơn 1,9 triệu công dân EU chiếm tới 6,1% lực lượng lao động ở nước Anh trong năm 2015. Tại Vương quốc Anh, chế tạo là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động EU nhất với hơn 292.000 người, tiếp theo là lĩnh vực bán buôn/bán lẻ với 230.000 người.

Theo luật của EU, các công dân EU có quyền làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong khối và các lao động tay nghề thấp ở Đông Âu đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Anh kể từ khi các quốc gia Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004.

Quay lại phần I

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục