EU thông qua các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ với Nga

12:12' - 15/03/2016
BNEWS Kết thúc cuộc họp ngày 14/3 tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất 5 nguyên tắc trong quan hệ với Nga.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết nguyên tắc thứ nhất nêu rõ thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện tiên quyết để có những thay đổi trong quan hệ với Nga.

Tiếp đến là các nguyên tắc về củng cố quan hệ EU với các đối tác phương Đông cũng như củng cố sự bền vững của EU, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Nguyên tắc thứ tư là cần hợp tác với Nga trong các vấn đề quốc tế như Iran, Syria, Trung Đông, cuộc khủng hoảng di cư, chống khủng bố, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác có lợi cho EU. Nguyên tắc cuối cùng là cần hỗ trợ xã hội dân sự ở Nga và thiết lập quan hệ giữa người dân tại EU và Nga. 
Bà Mogherini cũng cho biết các quan chức EU sẽ tham vấn kỹ lưỡng về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga vào tháng 6 tới. 
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Nam Ukraine. EU đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và thực thể mà khối này cho là "có vai trò liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine" sau khi Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga hồi tháng 3/2014.

Với lý do các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được thực thi, EU đã tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt này bất chấp áp lực từ Nga và sự chia rẽ trong chính nội bộ liên minh này.

Bên cạnh đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moskva cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU. 
Trong một diễn biến có liên quan, tờ "Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh số ra ngày 14/3 cho biết EU khuyến cáo các ngân hàng châu Âu không niêm yết các trái phiếu nhà nước Nga, mặc dù các biện pháp trừng phạt của EU không trực tiếp cấm mua trái phiếu nhà nước Nga. Như vậy Nga có thể buộc phải từ bỏ nỗ lực đầu tiên của mình tại thị trường vốn nước ngoài kể từ sau khi sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. 
Trước đó tờ "Wall Street Journal" (Nhật báo Phố Uôn), Mỹ, cũng cho biết các ngân hàng lớn của Mỹ cũng nhận được khuyến cáo tương tự từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ. 
Đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergei Storchak tuyên bố Nga dự kiến bán trái phiếu nhà nước tổng trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, bộ trên cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện chưa cho phép Moskva tiếp cận thị trường tín dụng nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục