FAO cảnh báo về tình trạng đánh bắt cá bừa bãi

09:49' - 08/07/2016
BNEWS Có đến gần 1/3 nguồn cá thương mại đang bị đánh bắt bừa bãi ở mức không thể duy trì được về mặt sinh học.
FAO cảnh báo về tình trạng đánh bắt cá bừa bãi. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Theo báo cáo mới của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mặc dù sự tăng trưởng của ngành ngư nghiệp đã góp phần nâng lượng tiêu thụ cá tính trên đầu người trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mức 20 kg/năm, song có đến gần 1/3 nguồn cá thương mại đang bị đánh bắt bừa bãi ở mức không thể duy trì được về mặt sinh học.

Phóng viên TTXVN tại New York cho biết báo cáo của FAO có tên Tình trạng đánh bắt cá trên toàn cầu xác định một số nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ cá tăng vọt, đó là nguồn cung dồi dào hơn, nhu cầu cao, sản lượng đánh bắt một số loài cá chủ chốt lên tới mức kỷ lục...

Sản lượng cá trên toàn cầu đã tăng tới 73,8 triệu tấn trong năm 2014, trong đó 1/3 là các loài động vật thân mềm, tôm cua...

Báo cáo dự đoán trong năm 2016, thị phần cá trong tổng lượng tiêu thụ thực phẩm của con người sẽ là 87%, hay đạt 146 triệu tấn, tăng so với mức 85% hay 136 triệu tấn trong năm 2014.

Khu vực chế biến cá ngày một gia tăng cũng tạo ra các cơ hội để cải thiện tính bền vững của dây chuyền cung cấp cá, thông qua một loạt các sản phẩm phụ như collagen dùng trong ngành mỹ phẩm hay xương cá nhỏ được dùng làm đồ ăn vặt.

Về khía cạnh dinh dưỡng của cá, báo cáo lưu ý cá cung cấp 6,7% tổng lượng tiêu thụ protein của con người trên toàn cầu, đồng thời là nguồn cung cấp dồi dào chất béo omega-3, vitamin, canxi, kẽm và sắt.

Theo báo cáo, hiện có khoảng 57 triệu người làm việc trong các ngành sản xuất thủy hải sản; xuất khẩu tôm cua cá trên thế giới đạt 148 tỷ USD trong năm 2014, tăng rất mạnh so với năm 1976.

Các quốc gia đang phát triển có kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản 80 tỷ USD, tạo ra nguồn thu thương mại cao hơn so với thịt, thuốc lá, gạo và đường cộng lại.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng làm thay đổi bản đồ bảng xếp hạng những loại cá được tiêu thụ nhiều nhất, chẳng hạn như cá hồi đang là loại hải sản được giao dịch nhiều nhất, soán ngôi vị mà tôm nắm giữ trong nhiều thập niên qua.

Nhờ thực thi các quyết định quản lý hiệu quả, lượng đánh bắt cá giảm tại một số khu vực như miền Tây Bắc Đại Tây Dương, tại đây lượng cá đánh bắt hàng năm hiện chưa bằng một nửa mức của đầu thập niên 1970.

Ngược lại, tại vùng Địa Trung Hải và Biển Đen, 59% lượng dự trữ cá theo ước tính đang bị đánh bắt ở mức không thể duy trì được về mặt sinh học, và theo báo cáo tình hình đã lên tới mức "báo động" đặc biệt là đối với những loài cá lớn như là cá tuyết, cá đối, cá bơn và cá tráp.

FAO đang tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia để cải thiện chất lượng cũng như độ tin cậy của các số liệu về lượng cá đánh bắt hàng năm.

Sự gia tăng gấp đôi kể từ khi FAO tập hợp dữ liệu về những chủng loại cá được đánh bắt vào năm 1996 - lên đến mức hiện nay là 2.033 loại - cho thấy có sự cải thiện chung về chất lượng của những con số thống kê được thu thập.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục