FAO: Mỹ Latinh bất bình đẳng nhất thế giới về phân bổ đất đai

14:35' - 20/04/2017
BNEWS Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết khu vực Mỹ Latinh hiện có mức độ phân bổ đất đai bất bình đẳng nhất thế giới trên cơ sở đánh giá chỉ số Gini.

Cải thiện quyền sở hữu và tình trạng phân bổ đất đai là bước đi cần thiết trong công tác xóa đói và thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) tại các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn báo cáo công bố ngày 19/4 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết khu vực này hiện có mức độ phân bổ đất đai bất bình đẳng nhất thế giới.

Khi áp dụng chỉ số Gini, chỉ số dùng để đo mức độ bất bình đẳng với giá trị dao động từ 0 (bình đẳng tuyệt đối) tới 1 (bất bình đẳng tuyệt đối) cho hiện trạng phân bổ đất đai, Mỹ Latinh dẫn đầu thế giới với chỉ số 0,79, vượt xa châu Âu (0,57), châu Phi (0,56) và châu Á (0,55).

Tình trạng phân chia đất đai bất bình đẳng tại Nam Mỹ còn trầm trọng hơn khi xét tổng thể toàn khu vực với chỉ số Gini đất đai lên tới 0,85, trong khi Trung Mỹ có chỉ số thấp hơn chút ít (0,75) so với mức của cả khu vực.

Một báo cáo của tổ chức nhân đạo OXFAM công bố cuối năm ngoái còn khẳng định tại Mỹ Latinh chỉ khoảng 1% số các đơn vị sản xuất nông nghiệp đã nắm giữ hơn 50% diện tích đất nông nghiệp.

FAO cũng cảnh báo hiện trạng số các chủ sở hữu đất nông nghiệp cỡ nhỏ đã giảm đáng kể, và tình trạng tập trung đất đai ngày càng lệch lạc hơn, do hoạt động mở rộng đầu tư cho ngành nông nghiệp của khu vực trong những năm qua.

Hiện tại FAO đang hỗ trợ các nước trong khu vực triển khai “Định hướng tự nguyện về quản lý có trách nhiệm sở hữu và sử dụng đất đai, hoạt động thủy sản và khai thác rừng trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực” (DVGT), một công cụ hướng tới sự tham gia của tất cả các thành phần có liên quan trong việc quản lý đất đai.

Tính đến thời điểm hiện tại, với trợ giúp của FAO, Guatemala là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh áp dụng DVGT để soạn thảo, xã hội hóa và triển khai một chính sách nông nghiệp mới.

Tại quốc gia này, 92% các nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ chỉ sở hữu 22% diện tích đất nông nghiệp của cả nước, trong khi 2% số các nhà sản xuất-thương mại lại đang sử dụng tới 57% quỹ đất./.

>>>Thu hẹp bất bình đẳng giới có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm 12.000 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục