FTA Việt Nam-EU sẽ thúc đẩy thương mại Việt -Pháp

14:54' - 26/08/2015
BNEWS EVFTA được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng khi thuế xuất nhập khẩu về 0%. Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU sẽ gia tăng một cách mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết trao đổi thương mại Việt-Pháp trong thời gian tới sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhờ việc mở cửa thị trường, cắt giảm hầu hết các dòng thuế quan.

Theo ông Cường, hiện nay, có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của một số nước được hưởng chính sách thương mại ưu đãi của EU.

Đơn cử, các sản phẩm trong ngành dệt may nhập khẩu từ Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh (Băng-la-đét), hay từ những nước trong danh sách những nước kém phát triển nhất (LDC) của Liên Hợp Quốc, đều được miễn thuế và miễn quota trong khi Việt Nam vẫn chưa được hưởng các ưu đãi này.

Tương tự, với thị trường Pháp, mặc dù Việt Nam là cường quốc đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, nhưng gạo của Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường này do Thái Lan đã ký với EU hiệp định nông sản và có giá rất thấp.


Lễ công bố kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA

(Ảnh: Đức Duy/TTXVN)

Riêng đối với hàng thủy sản và các mặt hàng nông sản, vốn là hai nhóm hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Pháp, ông Cường chia sẻ, với việc cải thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng của Việt Nam càng ngày càng được cải thiện, triển vọng gia tăng kim ngạch và gia tăng thị phần thủy sản tại Pháp là rất khả quan.

Vì vậy, EVFTA khi được ký kết và thực thi, sẽ là một điều kiện rất thuận lợi để nông sản Việt Nam có thể gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng như gia tăng thị phần tại thị trường Pháp.

Về trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết Việt Nam có thặng dư thương mại với Pháp liên tục trong 5 năm liền.

Bình quân hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt khoảng 2-2,5 tỷ euro/năm với mức tăng trưởng 5-7%/năm, trong khi xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam vì nhiều lý do, chủ yếu là từ phía các doanh nghiệp Pháp, chỉ đạt khoảng 1 tỷ euro.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu

(Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Một số các sản phẩm của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Pháp là giày dép, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủy sản. Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống có tiềm lực và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp hiện chỉ chiếm 1-2% thị phần  (trừ hàng giày dép chiếm khoảng 10%).

Một sản phẩm có trị giá rất cao xuất khẩu sang Pháp là điện thoại di động (ĐTDĐ), điển hình là ĐTDĐ Samsung sản xuất tại Việt Nam. Tuy mới xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng xuất khẩu ĐTDĐ có doanh số cao, đạt mức tăng 100%/năm, có năm đạt hơn 200%. Tổng trị giá hàng ĐTDĐ Samsung sang Pháp năm 2014 lên đến 1 tỷ USD.

Ông Cường nhấn mạnh thách thức chủ yếu đặt ra đối với các sản phẩm của Việt Nam sau khi Hiệp định được ký kết đó là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với sức cạnh tranh tờ các doanh nghiệp nước ngoài.

Một số lượng lớn các sản phẩm có nguồn gốc EU sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm giải pháp để cạnh tranh lại nếu như không muốn bị thua ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, theo ông Cường, đây không phải là một thách thức lớn do cơ cấu kinh tế của Việt Nam và EU mang tính bổ sung nhiều hơn. Việt Nam sẽ được lợi khi các sản phẩm EU xuất sang Việt Nam với mức thuế thấp, giúp giảm mặt bằng giá các sản phẩm nhập khẩu trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt nam được hưởng hàng hóa có chất lượng tốt...

Xét về tổng thể, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn như EVFTA thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam sẽ phải điều chỉnh theo hướng tập trung vào sản xuất những sản phẩm có lợi thế, còn những sản phẩm có chi phí sản xuất cao sẽ giảm dần, thậm chí là bỏ hẳn.

Chính vì vậy, EVFTA là một cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn.

Ngoài ra EVFTA còn khuyến khích mạnh mẽ luồng đầu tư từ Pháp vào Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Pháp lựa chọn sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại sang thị trường Pháp và EU đsẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn là sản xuất tại chỗ.

Đây là một tác động gián tiếp nhưng rất to lớn của EVFTA đối với đầu tư trực tiếp từ Pháp nói riêng và từ các nước EU nói chung vào Việt Nam trong tương lai gần.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục