G20 trước những khó khăn và trọng trách càng lớn

06:30' - 15/07/2017
BNEWS Giới chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho hay các nước đã đồng thuận quan điểm về thương mại với tất cả các bên cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
G20 trước những khó khăn và trọng trách càng lớn. Nguồn: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là vấn đề duy nhất còn tồn đọng trong Hội nghị G20 lần này. Tất cả các nước, ngoại trừ Mỹ, đều coi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là ”không thể đảo ngược”, và các nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20 đã chật vật tìm tiếng nói chung với Mỹ sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. 

Một điều khoản chưa thỏa thuận được trong tuyên bố chung G20 lần này liên quan đến việc Washington muốn có dẫn chiếu về nhiên liệu hóa thạch - theo nguồn tin từ một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) không muốn đưa tên.

Về thương mại, từ nhiều tháng qua, ông Donald Trump vẫn gây lo ngại cho các nước đối tác, với chủ trương bảo hộ thương mại thể hiện qua câu khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” và lời đe dọa dựng lên hàng rào thuế quan với Trung Quốc và châu Âu.

Trong thông cáo bế mạc hội nghị, G20 đã lên án “chủ nghĩa bảo hộ” - một việc làm quen thuộc của nhóm này từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, Washington đã giành được một nhượng bộ, đó là sự nhìn nhận của các nước đối với quyền sử dụng “các công cụ hợp pháp để bảo vệ thương mại”. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20 vấn đề này được nêu ra, và Mỹ không phải là nước duy nhất hài lòng, mà nhiều nước châu Âu khác cũng muốn có khả năng tự vệ trước nạn bán phá giá, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ “rất, rất nhanh chóng” ký một hiệp định thương mại với nước Anh, trong khi về nguyên tắc, London không có quyền ký kết một khi họ chưa chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hội nghị G20 lần này là hội nghị căng thẳng nhất trong lịch sử, không chỉ bên trong mà cả bên ngoài phòng họp. Ngày 7/7, có khoảng 20.000 người đã xuống đường phản đối và các hàng rào được dựng lên khắp nơi, với những kẻ phá hoại mặc toàn đồ đen nổi lửa đốt xe, giật các bảng chỉ đường làm vũ khí, ném đá và chai bia vào cảnh sát. 

Hơn 200 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình tại Hamburg và nhà chức trách Đức phải điều lính tới để hỗ trợ cho an ninh của Hamburg, thành phố lớn thứ hai nước Đức với 1,7 triệu dân. Báo chí Đức lên án Thủ tướng Angela Merkel đã tổ chức một hội nghị quan trọng như thế ngay tại trung tâm thành phố.

Theo THX, Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày tại thành phố Hamburg (Đức) đã kết thúc mà không đạt được một sự đồng thuận nào về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị và bản thông cáo của G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu là “điều đáng tiếc”. 

Tuy nhiên, bà cũng cho biết tất cả các thành viên còn lại của G20 đều nhất trí rằng Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ không thể bị đảo ngược và rằng họ sẽ luôn nỗ lực thực hiện thỏa thuận này

Xung quanh một vấn đề trọng tâm khác là tự do thương mại, mặc dù lãnh đạo các nước G20 đã đạt được một thỏa thuận trong lĩnh vực này, song dường như vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa các thành viên, buộc bà Merkel phải thừa nhận rằng “các cuộc thảo luận đã diễn ra rất khó khăn”.

Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã trong thời gian diễn ra hội nghị, Tiến sĩ Dirk Messner, Giám đốc Viện Phát triển Đức, cho biết: “Các bạn có thể thấy rằng những bất đồng trong nhóm G20 xung quanh vấn đề thương mại và chống biến đổi khí hậu, thậm chí cả vấn đề  hợp tác liên quốc gia, tất cả đều hiện hữu”.

Vị đồng Chủ tịch Think 20, một nhóm tư vấn cho G20, cũng cho biết cộng đồng quốc tế đã thay đổi một cách đáng kể trong thời gian 3 năm qua, và điều này đặt ra những thách thức mới cho lãnh đạo các nước G20. 

Ông cho rằng năm 2015 là một cột mốc quan trọng cho sự hợp tác đa phương, bởi trong năm này, tất cả các nước trên thế giới đã đạt được Thỏa thuận Paris và đã ký kết Chương trình Nghị sự 2030. Tuy nhiên, năm 2016 lại đánh dấu một “cú sốc” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến nó thành một năm “rất khó khăn cho sự hợp tác đa phương”. 

Theo ông, năm 2017 cũng tiếp tục là một năm khó khăn khi nước Anh khởi động các thủ tục rời khỏi Liên minh châu Âu và ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biển đổi khí hậu. Nhưng may mắn là “cuộc bầu cử Pháp đã diễn ra suôn sẻ, làm thế giới nhẹ nhõm hơn nhiều”, ông nói.

So với Hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu (Trung Quốc) hồi năm ngoái, lãnh đạo các nước G20 tại Hamburg lần này phải đối mặt với một thế giới phức tạp hơn nhiều. Giáo sư Gu Xuenwu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Bonn, phát biểu với Tân Hoa Xã rằng “sẽ không dễ để đạt được những thỏa thuận tại Hội nghị ở Hamburg”. 

Vì vậy, theo chuyên gia Dennis J. Snower, Giám đốc Học viện Kiel nghiên cứu kinh tế thế giới, người cũng là đồng Chủ tịch Think 20, cần phải có một G20 mạnh mẽ hơn. 

G20 chiếm 80% tổng GDP toàn cầu, 80% kim ngạch thương mại thế giới và 80% nguồn tài nguyên cũng như sự tiêu thụ trên toàn cầu, vì vậy “nếu G20 không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu, thì sẽ không có thực thể nào có thể giải quyết được hết. G20 có trách nhiệm phải làm điều này”, ông Messner nói.

Về phần mình, chuyên gia Snower cũng nói thêm rằng kinh tế toàn cầu “về cơ bản là một khối hoàn toàn gắn kết”, vì thế các vấn đề phát sinh, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng và chủ nghĩa khủng bố…, không thể tách rời nhau. Ông nói: “Những vấn đề xuyên biên giới quốc gia này chỉ có thể giải quyết được bằng sự hợp tác đa phương”./.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục