Giá cam giảm sâu nhưng tiêu thụ vẫn chậm

06:52' - 20/01/2018
BNEWS Vụ cam năm nay, người trồng cam tại Tuyên Quang không khỏi lo lắng khi cam sành giảm giá sâu trong khi đó mức tiêu thụ chậm hơn nhiều so với mọi năm.
Phân loại cam trước khi bán cho thương lái. Ảnh: Quang Cường/BNEWS/TTXVN

Theo những hộ trồng cam tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vụ cam năm 2017 – 2018 có giá thấp và mức tiêu thụ chậm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tại thời điểm này, cam sành Hàm Yên loại 1 tại Tuyên Quang đang có giá từ 8.000-10.000 đồng/kg; cam mua tại vườn có giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này, vụ cam 2016 -2017 cam sành loại 1 có giá từ 20.000 – 22.000 đồng/kg; cam mua tại vườn có giá từ 15.000 – 18.000 đồng/kg. Như vậy giá cam sành Hàm Yên năm nay đã giảm một nửa so với vụ cam 2016 – 2017.
Xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được xem là “thủ phủ” cam sành Hàm Yên với diện tích gần 2.500 ha, sản lượng đạt trên 35.000 tấn. Nhiều năm qua, nhờ trồng cam sành, người dân Phù Lưu có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ trở nên giàu có. Nhưng vụ cam năm nay, do giá cam giảm mạnh và mức tiêu thụ chậm hơn nhiều so với những năm trước đã khiến nhiều hộ trồng cam trong xã không khỏi lo lắng.
Chị Lô Thị Liên, thôn Thọ, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, gia đình chị có hơn 1.000 gốc cam đang cho thu hoạch. Vụ cam năm trước gia đình chị thu được 120 tấn quả, trừ hết chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Vụ cam năm nay, sản lượng tương đương năm ngoái nhưng do giá xuống thấp và tiêu thụ không thuận lợi, chị Liên ước tính, sau khi thu hoạch hết số cam, gia đình chị chỉ thu được số tiền bằng 1/2 so với vụ cam năm ngoái.
Còn ông Công Văn Bằng, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho rằng, nguyên nhân khiến giá cam năm nay xuống thấp là diện tích cam cho thu hoạch tăng cao so với năm ngoái trong khi diện tích trồng không tăng. Ngoài ra, do thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến mẫu mã của quả cam.

So với những năm trước đây, lượng tiêu thụ cam tại các chợ khu vực phía Bắc cũng giảm mạnh khiến lượng cam còn tồn đọng lớn. Thời điểm thu hoạch cam sành cũng vào đúng dịp thu hoạch của một số loại trái cây có múi khác như: cam chanh, quýt, bưởi… nên việc cạnh tranh trên thị trường đã khiến lượng tiêu thụ cam sành Hàm Yên giảm mạnh.
Là người đã nhiều năm trong nghề buôn bán cam sành vào thị trường miền Nam tiêu thụ, anh Công Văn Thắm, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, các chợ đầu mối phía Nam là thị trường tiêu thụ chính của cam sành Hàm Yên, tuy nhiên năm nay thị trường này tiêu thụ rất chậm.

Nếu như năm ngoái 1 ngày anh Thắm có thể bán được 40 tấn cam nhưng năm nay phải mất năm ngày anh mới bán được hết số cam đó. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cây cam ở các tỉnh như: Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình.. cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2015 đến nay diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nguyên ở mức hơn 7.700 ha, tuy nhiên diện tích cho thu hoạch lại tăng từ 3.996 ha năm 2015 lên hơn 5.100 ha năm 2017.

Diện tích cho thu hoạch tăng khiến sản lượng quả cam cũng tăng từ 47.912 tấn năm 2015 lên gần 70.000 tấn năm 2017. Sản lượng tăng nhanh khiến lượng cung quá lớn là một trong những nguyên nhân khiến giá cam năm nay giảm mạnh.

 Cam đóng thùng vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đối với một số loại cây trồng, trong đó có cây cam.

Tỉnh cũng đang triển khai mở rộng, liên kết các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm cam sành Hàm Yên; khuyến khích người dân sản xuất cam theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap, đồng thời ký kết với các doanh nghiệp, siêu thị hợp tác kinh doanh để tiêu thụ cam sành Hàm Yên.
Vừa qua tỉnh Tuyên Quang cũng đã tổ chức thành công Hội chợ cam sành Hàm Yên nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, trang trại, hộ gia đình quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh cam sành Hàm Yên; trao đổi thông tin thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từng gắn bó với những người trồng cam tại Hàm Yên từ năm 2007, ông Đào Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam cho rằng, để đảm bảo phát triển vùng cam Hàm Yên một cách bền vững, trước hết người trồng cam phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xác định được cơ cấu giống cam hợp lý.

Ngoài giống cam sành Hàm Yên làm chủ đạo, người dân có thể bổ sung những giống cam khác như giống cam chín sớm hơn, giống cam chín muộn hơn… áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để đảm bảo chất lượng quả cam, cùng với đó nâng cao công nghệ sau thu hoạch để quả cam không bị dập, nát, ảnh hưởng đến chất lượng./.

>>> Giá cam sụt giảm mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục