Giá cước vận tải sẽ theo hướng hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp

17:59' - 26/01/2016
BNEWS Thời gian qua, giá nhiên liệu liên tục giảm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vận tải; trong đó có đường bộ vẫn chậm chạp giảm giá cước gây bức xúc trong dư luận.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải).

Ông Trần Bảo Ngọc Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Ảnh Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Xin ông cho biết quản lý giá cước vận tải đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện như thế nào?

Ông Trần Bảo Ngọc: Hiện nay, việc quản lý giá nói chung, giá cước vận tải nói riêng được thực hiện theo Luật Giá. Một trong những nguyên tắc quản lý giá bao trùm là Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cần phải khẳng định việc giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm không chỉ là trách nhiệm và đạo đức của người kinh doanh vận tải mà còn là nghĩa vụ.

Nhà nước có các chế tài để điều tiết về giá cước vận tải như: Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã quy định các mức xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ; vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ và hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định tại Điều 28 các hình thức xử phạt đối với các hành vi: không thực hiện việc đăng ký, niêm yết theo quy định về giá cước; không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết và giá cước.

Doanh nghiệp vận tải sẽ phải thông báo giá. Ảnh: TTXVN

Đầu năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Đoàn kiểm tra của Bộ về công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô và giá cước vận tải hàng không.

Đối tượng kiểm tra là các Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp vận tải và các bến xe ô tô của một số tỉnh và thành phố lớn; các hãng hàng không và cảng hàng không, sân bay. 
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành lập và triển khai các Đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải Tết; trong đó đã chú trọng nội dung kiểm tra triển khai thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là điều chỉnh giá trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2016.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có văn bản chỉ đạo, nhiều đơn vị vận tải đã chấp hành việc thực hiện kê khai, niêm yết, giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm, cụ thể như sau:
Đối với vận tải hành khách đường bộ: nhiều tuyến cố định, xe buýt, taxi đã thực hiện giảm giá cước. Điển hình như tại Tp. Hồ Chí Minh, đã có 23/23 đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi giảm giá từ 1,7 - 6%, các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định đều thực hiện giảm; tại Bình Định có 36/39 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô giảm giá, trong đó tuyến cố định giảm giá cước vận tải với biên độ từ 2,2 - 10%.
Đối với vận tải hành khách hàng không: Tất cả các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện giảm giá. Theo các dải giá khác nhau, Vietnam Airlines giảm từ 9% - 80% giá trần quy định, VietJetAir và Jetstar Pacific Airlines giảm từ 9% - 100% giá trần quy định (có những đợt khuyến mãi, giảm giá vé ở mức 0 đồng).

Năm 2015, cơ cấu giá vé khuyến mãi từ 0 đồng của Vietjet tăng 3,87 lần, giá vé trung bình giảm 8% so với năm 2014.
Năm 2016, các hãng hàng không đều cam kết tiếp tục xây dựng và mở bán nhiều vé có mức giá rẻ và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mãi.
Đối với vận tải đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá vận tải hành khách các cung chặng có mật độ đi lại thấp, giảm giá đường dài và 3 lần điều chỉnh linh hoạt cước vận tải hàng hóa trong từng thời điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị vận tải chưa thực hiện nghiêm việc kê khai, niêm yết giá cước; chưa thực hiện điều chỉnh giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, yêu cầu các đơn vị điều chỉnh và kê khai giá cước.
BNEWS: Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cần những biện pháp cụ thể gì để quản lý việc điều chỉnh giá cước tăng giảm kịp thời theo giá nhiên liệu?
Ông Trần Bảo Ngọc: Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

Hiện dự thảo đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính và gửi các đơn vị liên quan để lấy ý kiến.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành vận tải, điển hình là việc triển khai sàn giao dịch vận tải đường bộ, ứng dụng Grab…. Việc này cũng góp phần để các đơn vị vận tải điểu chỉnh giá cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm như hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang quyết liệt triển khai tái cơ cấu vận tải, nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp./.
BNEWS: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục