Giá dầu chứng kiến tuần giảm thứ ba liên tiếp

14:25' - 12/11/2016
BNEWS Giá dầu dao động thất thường trong cả tuần qua, hòa theo diễn biến đầy gay cấn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Giá dầu chứng kiến tuần giảm thứ ba liên tiếp.Ảnh: telegraph.co.uk

Bên cạnh đó, mối lo về tình trạng dư thừa nguồn cung tiếp tục đeo bám giới đầu tư và còn gia tăng hơn khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo rằng sản lượng dầu của khối này trong tháng 10/2016 đạt mức cao kỷ lục mới. Điều này khiến giá dầu giảm mạnh phiên cuối tuần và chấp nhận tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.

Mặc dù mở đầu tuần khá thuận lợi khi giá của hai loại dầu chủ chốt là dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) và dầu Brent đồng loạt đi lên, song thị trường đã trồi sụt ngay trong phiên sau đó (8/11), giữa bối cảnh nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, OPEC lại kêu gọi toàn ngành tăng cường đầu tư nhằm bảo đảm nguồn cung đầy đủ trong tương lai khi giá dầu giảm đang kích thích nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này. Theo dự báo của OPEC, giá dầu sẽ tăng nhẹ dần từ nay đến năm 2021.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng những nỗ lực khôi phục giá dầu của OPEC sẽ trở nên khó khăn hơn khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

OPEC có thể sẽ phải đối mặt với nhu cầu dầu yếu nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và khả năng sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng khi ông Trump theo đuổi chính sách phát triển năng lượng hóa thạch.

Trái với dự đoán của nhiều người, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump đã không khiến thị trường lao đao mà còn giúp giá dầu tăng trong phiên 9/11.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc ông Trump vào Nhà Trắng sẽ có có lợi cho giá dầu, như việc chính sách của Mỹ đối với Iran có khả năng thay đổi.

Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng, nếu ông Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran mà ông đã từng chỉ trích quyết liệt, giá dầu có thể sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch cuối tuần (10-11/11), mối lo dai dẳng về tình trạng dư cung lại chi phối tâm lý nhà đầu tư và khiến giá dầu đảo chiều hạ. Trong một thông báo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo về sản lượng dầu thô năm 2017 của các nước không thuộc OPEC.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của cường quốc này trong tuần kết thúc vào ngày 4/11 tăng 2,4 triệu thùng lên 485 triệu thùng, cao hơn mức dự báo của thị trường.

Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 12/2016 giảm 1,25 USD (2,8%), xuống 43,41 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của mặt hàng này kể từ giữa tháng Chín.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 1/2017 cũng hạ 1,09 USD (2,4%), xuống 44,75 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên giá dầu này tuột khỏi mốc 45 USD/thùng kể từ tháng Tám. Khép lại cả tuần, giá dầu Brent giảm 1,8%, trong khi giá dầu WTI mất 5,4%.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu trượt dốc trong phiên cuối tuần là báo cáo mới nhất từ OPEC cho hay, sản lượng dầu của tổ chức này tăng thêm 240.000 thùng/ngày, đạt 33,64 triệu thùng/này trong tháng 10 vừa qua.

Điều này càng nhấn mạnh thêm thách thức mà OPEC phải đối mặt trong việc tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại hội nghị thượng đỉnh cuối tháng này.

Theo dự kiến, vào cuối tháng 11/2016, OPEC sẽ thảo luận về các điều khoản chi tiết của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu - một động thái nhằm xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu đã từng gây áp lực lên giá dầu trong hơn hai năm qua.

Hòa thêm vào không khí ảm đạm của thị trường năng lượng, báo cáo hàng tuần của cơ quan dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng thêm hai giàn khoan, lên 452 chiếc. Đây là tuần thứ 21 trong tổng số 24 tuần qua lượng giàn khoan của Mỹ tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục