Giá dầu WTI đóng cửa dưới mức 30 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2003

13:19' - 16/01/2016
BNEWS Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ liên tiếp rơi xuống các mức đáy "mới" của 12 năm qua, giữa bối cảnh tình trạng dư cung toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ cắt giảm mức trần sản lượng, bất chấp lời kêu gọi của một số nước thành viên về việc triệu tập cuộc họp khẩn giải quyết vấn đề giá dầu giảm sâu.

Giá dầu ngọt nhẹ liên tiếp rơi xuống các mức đáy "mới" của 12 năm qua . Ảnh: TTXVN

Bất chấp số liệu tích cực về thị trường việc làm Mỹ trong tháng 12/2015, vừa được công bố cuối tuần trước đó, ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 11/1), giá dầu thô thế giới lần đầu tiên trong 12 năm trượt xuống dưới mốc 32 USD/thùng, sau khi có những dấu hiệu cho thấy Iran sắp được phép tăng xuất khẩu dầu ra thị trường.

Các chuyên gia phân tích vẫn đang cân nhắc những ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị có thể tác động tới thị trường, trong đó có căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Ước tính, nếu các biện pháp cấm vận đối với Tehran được dỡ bỏ, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày chỉ trong vòng vài tháng.

Trong hai phiên giao dịch liền sau đó (12-13/1), dầu ngọt nhẹ của Mỹ và dầu Brent Biển Bắc lần lượt phá thủng mốc 30 USD/thùng, khi giới phân tích đã “bóng gió” về mức “đáy” mới 20 USD/thùng, khiến tâm lý thị trường thêm chao đảo.

Áp lực về tình trạng dôi dư nguồn cung dào toàn cầu càng được đẩy lên cao khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô, xăng và dầu diesel đều tăng trong tuần trước đó (kết thúc vào ngày 8/1).

Bộ trưởng Dầu mỏ của Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu đã kêu gọi sớm tổ chức cuộc họp khẩn giữa các nước thành viên OPEC bàn về giải pháp cho tình trạng giá dầu lao dốc.

Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi đồng thời cũng là nhà sản xuất dầu hàng đầu "lục địa Đen", đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ tình trạng dầu mất giá. Nguồn thu từ dầu thô chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu và 70% tổng thu nhập của chính phủ nước này.

Giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đi lên trong phiên 14/1, nhưng đây chỉ là một phiên phục hồi kỹ thuật sau khi hoạt động bán ra đã bị đẩy lên quá mạnh trong những phiên gần đây và thị trường vẫn chưa xuất hiện những nhân tố cơ bản mang tính hỗ trợ.

Do vậy, tới phiên giao dịch cuối tuần vàng đen đã nhanh chóng để tuột mất đà tăng mong manh ở phiên trước và đảo chiều giảm mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2003, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đóng cửa dưới mức 30 USD/thùng.

Bất chấp báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố cùng ngày cho hay lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này giảm 1 giàn xuống 515 giàn, song những lo ngại về triển vọng tăng trưởng chậm hơn của kinh tế Trung Quốc- nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới- vẫn khiến thị trường dầu mỏ ảm đạm.

Thêm vào đó, chuyên gia phân tích Caroline Bain từ Capital Economics cho rằng các số liệu kinh tế kém lạc quan của Mỹ về doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp vừa được công bố ngày cuối tuần cũng là nhân tố góp phần vào đà giảm của giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch 15/1, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2016 giảm 1,78 USD, xuống 29,42 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2003, sau khi có lúc rơi xuống mức 29,13 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2016 cũng hạ 2,09 USD, xuống 28,94 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2004. Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI giảm khoảng 11%, còn dầu Brent mất tới hơn 14%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục