Gia tăng căng thẳng giữa "gã khổng lồ" Google và EU

10:58' - 12/09/2017
BNEWS Căng thẳng gia tăng giữa Google và EU khi "gã khổng lồ internet" nộp đơn kháng cáo án phạt kỷ lục mà EU đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua với cáo buộc vi phạm các quy định về chống độc quyền.

Ngày 11/9, Tòa công lý châu Âu cho biết Google đã nộp đơn kháng cáo án phạt kỷ lục mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua với cáo buộc vi phạm các quy định về chống độc quyền, làm gia tăng căng thẳng kéo dài bảy năm qua giữa Ủy ban châu Âu (EC) và gã khổng lồ Internet của Mỹ.
Google khẳng định đã nộp đơn kháng cáo và từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào. Về phần mình, EC khẳng định sẽ bảo vệ quyết định của mình đến cùng trước tòa và cũng không đưa ra thêm bất cứ thông tin cụ thể nào khác.
Ngày 27/6, Cơ quan chống độc quyền của EU đã công bố mức phạt lên tới 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD) đối với tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ do vi phạm các quy định về chống độc quyền của EU trong bán hàng trực tuyến. Đây là mức án phạt kỷ lục của EU đối với một công ty trong một vụ kiện chống độc quyền.

Vào năm 2009, EU từng đã phạt Intel, nhà sản xuất bộ vi xử lý nổi tiếng nhất của Mỹ, với số tiền lên tới 1,06 tỷ euro.
Trong một thông báo, EC cho biết Google có 90 ngày để chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh hoặc phải chịu mức phạt lên đến 5% doanh thu trung bình trên toàn thế giới của công ty mẹ là Alphabet.
Sau một cuộc điều tra kéo dài bảy năm, EU kết luận, với tư cách là công cụ tìm kiếm có số lượng người sử dụng lớn nhất thế giới, Google đã lợi dụng ưu thế này để đưa khách hàng đến với những trang web bán hàng trên mạng của mình, gây thiệt hại cho nhiều đối thủ cạnh tranh khác.

EU đã từng yêu cầu Google phải thay đổi hình thức kinh doanh của Google Shopping để đáp ứng quy định của châu Âu.
Cuối tháng Tám vừa qua, Google đã chuyển cho EC các đề xuất của mình để kết thúc những hành vi được cho là cạnh tranh không lành mạnh. Nếu những biện pháp trên được cho là thỏa đáng và EC không đưa ra các yêu cầu khác, Google sẽ có thời gian từ nay đến ngày 28/9 để thực hiện các yêu cầu của EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục