Gia tăng vai trò trung gian hòa giải của Nga ở Trung Đông

07:30' - 29/05/2018
BNEWS Trang mạng Zaman Al Wasl có bài phân tích về vai trò của Nga ở Trung Đông, cho rằng Moskva đang được coi như một nhà trung gian hòa giải mới có năng lực thực sự và nhận được sự tin cậy của Palestine.
Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem ngày 14/5, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem trên thực tế đã xác nhận ý định của Washington trong việc công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái (Israel). Thật ngược đời, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm trầm trọng tình hình bằng việc “chống lưng” cho hoạt động khủng bố của nhà nước Israel bên trong lãnh thổ Palestine và hành động đàn áp của chính quyền Tel Aviv đối với người Palestine.
Rõ ràng, Washington hiện can dự vào chính sách tàn bạo của Israel. Quyết định của ông Trump đã phải hứng chịu phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước, vốn cho rằng động thái nêu trên sẽ chỉ làm cho tình hình khu vực xấu đi, đặc biệt là điều kiện sống của người dân Palestine dưới ách chiếm đóng của Israel.
Nga là một trong những quốc gia đầu tiên bày tỏ thái độ không tán thành việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, cho rằng đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Moskva đã bày tỏ quan ngại về những bước đi của Mỹ, vốn có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. 
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, quyết định này của Mỹ đã khiến cho tiến trình giải quyết xung đột Israel-Palestine rơi vào bế tắc. Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Rybkov cho rằng tình hình thật “bi thảm”, đồng thời chỉ trích gay gắt rằng “việc đưa ra những quyết định như vậy là sai trái”.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cũng mô tả việc chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là “hành động thiển cận”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là những lý do chính gì đã khiến Nga lo ngại về quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, và việc tìm kiếm giải pháp trước mắt cho cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ như thế nào?
Nga có các mối quan hệ lịch sử với Trung Đông. Những người Do Thái từ Nga đã di cư sang Israel và được biết đến là một trong những nhóm cộng đồng người Do Thái ở hải ngoại mạnh nhất. Hiện có khoảng 200.000 người Do Thái vẫn đang sinh sống ở Nga. 
Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là có cảm tình và tôn trọng đức tin của người Do Thái. Ông cũng có rất nhiều những người bạn, doanh nhân - kể cả quan chức dưới quyền - là người gốc Do Thái và từng thừa nhận những ảnh hưởng tích cực của người Do Thái. 
Cho dù mối quan hệ giữa Nga và Israel có cội rễ sâu xa và đa dạng, song cũng được xem là thiếu sự phối hợp và phức tạp do các mối quan hệ ngoại giao “nhiều mặt”. Cộng đồng nói tiếng Nga được cho là có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của Israel và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. 
Nga đã cố gắng tăng cường vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông. Để đạt được mục tiêu này, Moskva đã có cách tiếp cận khách quan đối với cuộc xung đột Israel-Palestine và trở thành đối tác chiến lược của Mỹ trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột này.
Trong khuôn khổ hợp tác này, năm 2002, Nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm Nga, Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) được thành lập nhằm thống nhất những nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. 
Đối thoại chính trị tích cực đã được thiết lập giữa Nga và Israel nhằm tiến hành các cuộc tham vấn chính trị thường kỳ và trao đổi đoàn ở nhiều cấp. Cách tiếp cận “cân bằng” chiến lược đã trở thành chiến lược chính yếu của Nga liên quan tới mối quan hệ giữa nước này với Israel.
Trong những năm gần đây, tình hình ở Syria đã trở thành một trong những chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các cuộc hội đàm Nga-Israel. Nga và Israel có lập trường khác nhau về cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. 
Moskva là một trong những bên khởi xướng giải pháp chính trị, đồng thời làm trung gian đàm phán cho chính quyền Damascus và các lực lượng đối lập, trở thành đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 
Nga hỗ trợ quân đội Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Kể cả sau khi đánh bại IS, Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ các lực lượng chính phủ Syria trong cuộc giao tranh với các nhóm phiến quân khác. Trong khi đó, Israel không ủng hộ bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Syria và cũng không tham gia các cuộc hòa đàm về Syria. 
Không quân Israel thường xuyên tiến hành các cuộc oanh kích ở bên trong lãnh thổ Syria nhằm vào các tay súng thuộc phong trào Hezbollah của Liban, lực lượng vốn cũng tham gia các chiến dịch quân sự của chính quyền Syria. Hezbollah được cho là nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Iran. 
Cho đến nay, Nga và Israel đã cố gắng tránh để căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương liên quan tới cuộc chiến ở Syria. Nga luôn phải đối mặt với tình thế khó xử về việc làm thế nào thúc đẩy một mối quan hệ đối tác chiến lược, tính tới những lợi ích thương mại, đồng thời cùng ổn định chính trị mà không làm phương hại tới những lợi ích an ninh của bên kia.
Trong một chừng mực nào đó, Nga đã và đang hành động một cách quyết đoán và toàn diện trên “mặt trận” đối ngoại vì dư luận trong nước “ưa thích” cách tiếp cận này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Nga đang ở vào tình thế khó xử trước quyết định của chính quyền Trump về việc chuyển đại sứ quán tới Jerusalem. 
Israel là nước duy nhất thuộc “thế giới phương Tây” hiện duy trì các mối quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “đã được chọn” là khách VIP của Tổng thống Putin dự lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng của Nga trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại ngày 9/5 vừa qua. 
Netanyahu là nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất nhận lời mời tới dự sự kiện quan trọng này. Sự hiện diện của Thủ tướng Israel bên cạnh Tổng thống Nga tại sự kiện trên là một “lời nhắc nhở” về việc Israel và Nga đã thành công như thế nào trong việc xây dựng quan hệ chiến lược và phát triển sự hiểu biết lẫn nhau về khía cạnh địa chính trị.
Nga cũng muốn đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Vai trò dẫn dắt của Washington trong các cuộc hòa đàm Trung Đông đã không còn được phía Palestine chấp nhận. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới Nhóm Bộ Tứ.
Đây là cơ hội “độc nhất vô nhị” đối với Điện Kremlin để “tự định vị” Nga trở thành thành nhà trung gian hòa giải mới có thế lực ở Trung Đông. Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Kommersant của Nga, Nabil Shaath - một phụ tá của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - cho biết Palestine sẽ coi Nga là một nhà trung gian hòa giải.
Theo các chuyên gia phân tích, Nga đang tăng cường sử dụng tất cả các biện pháp để chiếm ưu thế ở Trung Đông, đặc biệt là muốn “vượt mặt Mỹ ở đấu trường khu vực”. Nga đang muốn áp đặt “luật chơi riêng của mình” ở khu vực. 
Mục đích chính của Nga là nhằm làm suy yếu tầm ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông và trong nhiều cuộc xung đột ở khu vực này. Xét cả về thế và lực, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga hoàn toàn có thể lấn lướt Mỹ trong mọi cuộc chơi ở “chảo lửa” Trung Đông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục