Giải bài toán cạnh tranh của ngành gạo: Nhìn từ chuyện “sốt” IR50404 đến… “ế” nếp

15:00' - 07/06/2018
BNEWS Thời gian gần đây, mặt bằng giá xuất khẩu các loại gạo của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.

Một số loại gạo trắng thông dụng có giá bán cao hơn so với một số nguồn cung khác trong khu vực. Tuy nhiên, ngành gạo cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế về sản xuất, cạnh tranh trong ngành, cần có sự tham gia định hướng, hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
* Sản xuất chưa theo kịp nhu cầu
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng. Hiện nay, số lượng gạo cao cấp và gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu chiếm trên 80%, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%, còn lại là các loại gạo khác.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Hành Nhân. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN

Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ gạo của một số thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines… tăng đột biến so với các năm. Phần lớn các thị trường này có nhu cầu mua gạo 5% tấm, hoặc 15% hoặc 25% tấm. Với lợi thế gạo mới, không có tồn kho, nên gạo của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này cũng khá tốt.
Nhờ đó, tiêu thụ lúa gạo IR50404 trong vụ Đông Xuân vừa qua ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá “trôi chảy”. Thậm chí, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng cho các hợp đồng xuất khẩu. Lượng lúa gạo người dân thu hoạch đến đâu hầu như đều có thương lái, doanh nghiệp gom thu mua hết.
Cũng nhờ sự “săn đón” này, giá lúa gạo IR50404 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng mạnh, lập kỷ lục cao nhất trong những năm gần đây. Có thời điểm, giá lúa tươi IR50404 tại ruộng được thương lái, doanh nghiệp thu mua lên tới gần 6.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với mức cao nhất trong năm 2017. Không chỉ “sốt” giá nguyên liệu nội địa, giá xuất khẩu loại gạo này cũng tăng mạnh, cao hơn cả Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Lý giải nguyên nhân của tình trạng “sốt” chủng loại lúa này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cho biết, chủ yếu là do nhu cầu thị trường tiêu thụ tốt nhưng nguồn cung lại không có nhiều. Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phải chuyển dần sang trồng lúa thơm, giống lúa có chất lượng cao để có giá bán cao hơn. Kèm theo đó là thông tin truyền thông có xu hướng “bài trừ” gạo phẩm cấp thấp nên diện tích gieo trồng lúa IR50404 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh, còn hơn 10% trong tổng diện tích gieo trồng ở khu vực này.
Trái ngược với sự “săn đón” của thương lái, doanh nghiệp đối với chủng loại IR50404 thì lúa nếp lại đang rớt giá. Dù mới bắt đầu vào đợt thu hoạch vụ Hè Thu sớm, song những người trồng lúa nếp ở đây đang khá bị động do thương lái bỏ cọc, không có người mua.
Rõ ràng, việc xuất khẩu quá lớn lại phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường là nguyên nhân chính dẫn tình trạng tiêu thụ nếp ảm đạm như hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo nếp, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn tin từ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc cho biết, trong năm 2017, cùng với việc đẩy mạnh thu mua gạo nếp từ Việt Nam, nước này cũng tăng cường gieo trồng lúa nếp ở trong nước. Hiện tồn kho nếp của các doanh nghiệp Trung Quốc còn khá lớn. Do vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này trong thời gian tới là điều bất khả thi.
Cũng do thị trường này hạn chế mua nên giá gạo nếp sụt giảm mạnh. Nếu như thời điểm tháng 1-2/2018, giá gạo nếp xuất khẩu dao động ở mức từ 530-540 USD/tấn thì nay chỉ còn khoảng 460-470 USD/tấn. Giá lúa nếp nội địa cũng theo đó giảm mạnh so với các chủng loại lúa khác.
Nhìn sự đối ngược của hai chủng loại lúa gạo trên, có thể thấy rõ việc điều chỉnh cơ cấu gieo trồng hiện nay ở vựa lúa lớn nhất nước hiện vẫn chưa có sự thay đổi linh hoạt theo kịp nhu cầu thị trường.
* Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An, không phải đến tận bây giờ, vấn đề cảnh báo hạn chế gieo trồng lúa nếp mới được đặt ra. Ngay như trong vụ Đông Xuân vừa qua, nhận thấy việc bị động khi phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này đã kêu gọi, vận động nông dân chuyển bớt diện tích trồng lúa nếp sang trồng lúa chất lượng cao Đài Thơm 8; đồng thời đồng ý bao tiêu hết đầu ra. Tuy nhiên, nông dân vẫn không đồng ý, vì tin rằng thị trường gạo nếp sẽ sớm hồi phục.
Bà Liên cho rằng, một hệ thống cảnh báo của doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như có sự hỗ trợ về mặt thông tin truyền thông của báo chí.

Để tránh tình trạng lúa nếp thì quá dư thừa, còn nguồn cung các loại gạo khác lại khan hiếm như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nghiên cứu, thông tin về thị trường nhập khẩu, nhu cầu của từng chủng loại gạo… Từ đó, cung cấp thông tin cho nông dân, doanh nghiệp và các địa phương có thể kịp thời điều chỉnh trước mùa vụ gieo trồng.

Thực tế hiện nay, chưa có nhiều cánh đồng lớn liên kết thật sự giữa doanh nghiệp với nông dân ở khu vực này. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Dưới góc độ của chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, nhu cầu thị trường có sự thay đổi theo từng năm. Năm nay, Indonesia và Philippines tăng nhập khẩu, nhưng chưa chắc năm sau họ lại tiếp tục mua vào. Những dự báo, nhu cầu, thông tin về thị trường cần có sự vào cuộc của các Thương vụ Việt Nam ở các nước.
Chẳng hạn như Indonesia, đã vài năm gần đây không nhập khẩu gạo, nhưng ngay đầu năm 2018 lại đột ngột thông báo mua 500.000 tấn. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại các nước cần thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường của nước sở tại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương để tổng hợp. Từ đó, mới có thể phân tích nhu cầu thị trường cung cấp cho người dân và các địa phương.
Ngoài việc cung cấp thông tin dự báo thị trường, một số doanh nghiệp cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành gạo, Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp và nông dân chủ động được nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo là một mô hình rất tốt.

Nếu phát huy được hiệu quả của mô hình thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người nông dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chưa có nhiều cánh đồng lớn liên kết thật sự giữa doanh nghiệp với nông dân ở khu vực này.
Theo ông Bình, để ngành gạo Việt Nam chủ động điều tiết xuất khẩu với giá trị cao, Nhà nước cần có cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp được vay đủ vốn đầu tư theo quy định lãi suất của ngân hàng. Điều này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề hạn chế về tiềm lực tài chính đang khá phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp gạo. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động điều tiết được thời điểm bán hàng và giá xuất khẩu, không còn tình trạng tranh mua tranh bán như vừa qua.
Trong thời gian tới, các thị trường nhập khẩu gạo lớn là Trung Quốc, Indonesia, Philippines tiếp tục tăng nhập khẩu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu nhập khẩu các loại gạo trắng, gạo tấm, gạo thơm của các nước châu Phi (Bờ biển Ngà, Senegal, Nigeria) cũng sẽ tăng. Philippines có thể phải nhập tới 1,1 triệu tấn gạo trong năm nay và là một trong những nước mua gạo lớn nhất năm 2018.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn sẽ giảm từ đầu quý III/2018 nên các doanh nghiệp cần chủ động nguyên liệu đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục