Giải đáp chính sách mới trong quản lý vận tải

13:38' - 29/03/2016
BNEWS Từ 1/7/2016, nhiều quy định mới nhằm siết chặt quản lý vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách có hiệu lực.
Nhiều chính sách mới trong quản lý vận tải. Ảnh: TTXVN

Để giải đáp những thắc mắc, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về những quy định mới này, Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức tọa đàm về chủ đề “Chính sách mới trong quản lý vận tải” với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến xoay quanh các quy định mới có hiệu lực từ 1/7, trong đó có nhiều loại hình kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình có giấy phép kinh doanh, Bộ Giao thông Vận tải đang trình ý kiến bổ sung 1 số hành vi như không có phù hiệu, lái xe bị phạt 3-5 triệu đồng, doanh nghiệp vận tải bị phạt từ 8-13 triệu đồng.

Xe taxi không lắp thiết bị in hóa đơn bị phạt 4- 6 triệu đồng, tước phù hiệu từ 3 - 5 tháng. Doanh nghiệp vận tải không có bộ phận theo dõi, quản lý về an toàn giao thông bị tước giấy phép kinh doanh từ 3- 6 tháng. Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải quan tâm đến các quy định của pháp luật để áp dụng.

Liên quan đến những kiến nghị của các doanh nghiệp về hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu cho xe ô tô hiện nay vẫn chưa rõ ràng, chưa thống nhất giữa các sở, về vấn đề này bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu cho xe ô tô đều được niêm yết công khai tại các trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải. Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, Tổng cục Đường bộ nâng việc cấp giấy phép kinh doanh, phù hiện lên cấp độ 3, cấp độ 4, khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vận tải có xe từ 7-10 tấn chủ yếu là quy mô nhỏ nên việc phải lắp thiết bị giám sát hành trình từ ngày 1/7 sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả việc tiếp cận thông tin để mua được thiết bị đảm bảo chất lượng.

Về vấn đề này ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, về phía Vụ Khoa học công nghệ, đến thời điểm hiện tại, số đơn vị cung cấp sản phẩm ra thị trường, đáp ứng các quy định, quy chuẩn lên đến 30. Vì thế, từ khi triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình đến nay đã có sự cạnh tranh rất cao, cùng với sự quản lý chặt của cơ quan quản lý Nhà nước nên các đơn vị cung cấp đều khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường, đảm bảo uy tín.

“Để người dân có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng, đến nay việc này đã được công bố, công khai về chất lượng truyền dẫn dữ liệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cũng cần nói thêm, với một số thông tin là có nhiều sản phẩm có giá cả khác nhau, có loại 6 - 7 triệu đồng, có loại 2 - 3 triệu đồng, theo quy chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như: hành trình, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe…” - ông Trần Quang Hà cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thọ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần quy định các nhà cung cấp thiết bị thiết bị giám sát hành trình phải có độ tương thích với nhau, giảm phiền phức và tốn kém cho doanh nghiệp.

Về vấn đề quản lý đối với lái xe cũng được nhiều đại biểu quan tâm, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định: “các đơn vị kinh doanh vận tải hiện phải có sổ theo dõi phương tiện, theo dõi lái xe, phải có trên phần mềm của đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu giải pháp sẽ tích hợp quản lý lái xe trên một hệ thống phần mềm chung toàn quốc, để các doanh nghiệp sau này muốn lựa chọn lái xe sẽ có một phần mềm quản lý lý lịch lái xe, nhìn vào là rõ ngay.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận thấy những bất cập như: một số điều kiện đưa ra chưa được thực hiện nghiêm; tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn cao; môi trường cạnh tranh đã bảo đảm nhưng chưa thực sự lành mạnh; vẫn còn xe quá khổ quá tải, xe quá niên hạn, nhiều quy định chưa nghiêm túc thực hiện như: bến cóc, xe dù, đón khách trên cao tốc, người điều hành phương tiện, cơ quan tổ chức còn bất cập; Taxi không chỉ còn taxi truyền thống hoạt động nữa mà đã có Grap, Uber, tuy nhiên cơ chế chính sách chưa thực sự bao quát hết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục