Giải đáp quy định mới về thủ tục hải quan

15:46' - 13/06/2018
BNEWS Ngày 13/6, báo Hải quan đã tổ chức buổi giải đáp trực tuyến với bạn đọc về những điểm mới tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 39/2018/TT-BTC

Ngày 13/6, báo Hải quan đã tổ chức buổi giải đáp trực tuyến với bạn đọc về những điểm mới tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số Điều Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn đang trả lời bạn đọc. Ảnh: Hồng Vân

Theo đó, ngày 20/4, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 5/6/2018.
Để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2018/NĐ-CP đồng thời để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Thông tư số 38/2015/TT-BTC, cùng ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, có hiệu lực thi hành vào ngày 5/6/2018.
Nhiều vấn đề quan trọng về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại hai văn bản quy phạm pháp luật trên.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thì Thông tư số 39 gồm 5 Điều và 5 Phụ lục có nhiều nội dung mới được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, cũng như để phù hợp với sự thay đổi của tập quán thương mại quốc tế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan cũng như xử lý các vướng mắc, bất cập khi thực hiện Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Những nội dung chính liên quan đến thủ tục hải quan được sửa đổi gồm: Hồ sơ hải quan; khai hải quan; khai bổ sung, hủy tờ khai hải quan, khai thay đổi mục đích sử dụng; đăng ký, phân luồng tờ khai và xử lý tờ khai hải quan; quản lý, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất…
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, một trong những thay đổi lớn trong việc thực hiện khai bổ sung là thủ tục khai bổ sung hải quan được thực hiện hoàn toàn thông qua Hệ thống, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại.
Ngoài ra, để minh bạch hóa các thủ tục khai bổ sung đối với từng tình huống khai bổ sung phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và đặc trưng của từng ngành hàng, Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Phân biệt cụ thể các trường hợp người khai hải quan tự phát hiện ra sai sót và được khai bổ sung trong thông quan và khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan;
Bổ sung thủ tục khai bổ sung cho những trường hợp đặc biệt như: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thỏa thuận mua, bán nguyên lô, nguyên tàu và có thỏa thuận về dung sai về số lượng và cấp độ thương mại của hàng hóa; gửi thừa hàng, nhầm hàng; gửi thiếu hàng và hàng hóa chưa đưa hoặc đưa một phần ra khỏi khu vực giám sát hải quan...
Thêm một điểm mới đối với hủy tờ khai là tờ khai nhập khẩu chỉ được hủy nếu hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hàng hóa đến cửa khẩu nhập.
Ngoài ra, Thông tư số 39 bổ sung một số trường hợp hủy tờ khai để phù hợp với các giao dịch thực tế của người xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định mới tại Nghị định số 59 như: Tờ khai hải quan đã đăng ký, hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng không có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai;

Tờ khai hải quan xuất khẩu đã thông quan hoặc giải phóng hàng nhưng thực tế không xuất khẩu hàng hóa...Thủ tục hủy tờ khai hải quan cũng được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thay vì xác nhận trên giấy như hiện tại.
Về việc triển khai Thông tư 39, ông Âu Anh Tuấn cho biết trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp gặp bất kì vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp luật về hải quan cần liên hệ trực tiếp tới đơn vị Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn.
Trường hợp những giải đáp của cơ quan Hải quan tại địa phương chưa giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp thì có thể phản ánh trực tiếp tới Tổng cục Hải quan thông qua đường dây nóng, hoặc qua đơn vị chỉ trì soạn thảo là Cục Giám sát quản lý về hải quan để được sớm giải đáp.
Ngoài ra, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị Hải quan địa phương triển khai Thông tư số 39, Tổng cục Hải quan sẽ thành lập Tổ hỗ trợ triển khai để trực tiếp tiếp nhận, trả lời và xử lý những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của các đơn vị liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 39./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục