Giải mã bí ẩn "Thác Máu" tại Nam Cực

15:22' - 06/05/2017
BNEWS Bí ẩn dòng thác có nước đỏ như máu tồn tại suốt 100 năm qua cuối cùng đã có lời giải.
Giải mã bí ẩn về "Thác Máu" tại Nam Cực. Ảnh: kienthuc.net

"Thác Máu", được nhà địa lý người Australia Griffith Taylor phát hiện năm 1911, nổi tiếng vì dòng nước thỉnh thoảng sẽ chuyển sang màu đỏ như máu. Thác này đổ từ sông băng Taylor vào Hồ Tây Bonney trong thung lũng Taylor thuộc khu vực các thung lũng khô McMurdo tại Victoria Land, miền Đông Nam Cực.

Theo các nhà khoa học, nước của "Thác Máu" có chứa nước muối nhiều sắt và do đó sẽ chuyển sang màu đỏ khi sắt trong nước tiếp xúc với không khí, một phản ứng tương tự như hiện tượng sắt gỉ theo thời gian.

Theo phát hiện công bố trong Tạp chí chuyên nghiên cứu về sông băng, nhóm chuyên gia của Đại học Alaska Fairbanks (UAF) và Cao đẳng Colorado cho rằng có bằng chứng cho thấy dòng nước muối của "Thác Máu" có thể bắt nguồn từ một trữ lượng lớn nước muối tích bên dưới sông băng Taylor trong suốt hơn 1 triệu năm qua.

Cũng trong nghiên cứu này, chuyên gia nghiên cứu về các sông băng của UAF Erin Pettit cho biết nhóm khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trong môi trường sông băng lạnh giá, đánh đổ quan điểm trước đó của giới khoa học cho rằng đây là điều không thể.

Theo bà Jessica Badgeley, người đứng đầu công trình nghiên cứu, trong quá trình đóng băng nước cũng tỏa nhiệt và nhiệt lượng này kết hợp với đặc tính đóng băng ở nhiệt độ thấp của nước muối khiến cho nước ở "Thác Máu" không bị đóng băng trong mùa đông băng giá tại Nam Cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục