Giải pháp nào cho cải thiện chất lượng tăng trưởng?

12:07' - 11/04/2018
BNEWS Lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng đầu năm 2018 cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I.
Hội thảo Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới".

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM), với mức tăng trưởng 7,38%, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2018 đã vượt qua hầu hết các “kỳ vọng” dự báo trước đó. Mức tăng trưởng 3 tháng đầu năm được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại và có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, khiến cán cân thương mại được cải thiện.

Cùng với đó, đà giảm giá đồng USD cũng tác động đến giá các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam; trong khi đó nhập khẩu một số mặt hàng lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Một trong số những mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh là ô tô nguyên chiếc. Cụ thể, quý I/2017 giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 489 triệu USD, trong khi từ ngày 1/1- 15/3/2018 giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ đạt 89 triệu USD.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng đầu năm 2018 cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I.

Mặc dù, đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa được cải thiện, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, và vẫn chịu tác động của những biến động kinh tế thế giới. Cùng với đó, tăng trưởng tiềm năng cũng đang có dấu hiệu đi xuống.

Nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng những quý cuối năm, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, làm sao để không quá phụ thuộc vào sự tăng giảm của đồng USD. Cùng với đó, tính toán kỹ vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018, trách tác động lên lạm phát. Vì nhiều năm qua, mức tăng lương tối thiểu vùng đã vượt quá lạm phát.

Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất, chất lượng lao động.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần có những chính sách thay đổi căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, thay vì thu hút theo kiểu nhà đầu tư nước ngoài đưa dự án vào và được xem xét, chấp nhận thì chuyển sang thu hút FDI có định hướng, có mục tiêu rõ ràng. Có như vậy mới tăng sức lan tỏa của FDI đến khu vực kinh tế trong nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Liên quan đến thu hút FDI, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, thay vì thụ động ngồi chờ, tới đây, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm nguồn vốn FDI có chất lượng, có tác động lớn đến nền kinh tế. Cùng với thay đổi chiến lược thu hút FDI, cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước phát triển, đóng góp vào tăng trưởng.

Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao, bền vững trong những năm tới, Việt Nam cần chủ động tân dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế, quốc tế. Cụ thể là tận dụng những lợi ích có được từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vì đây được đánh giá là hai hiệp định thương mại tự do đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Song Việt Nam vẫn chưa có những bước sẵn sàng để tận dụng cơ hội đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục