Giải pháp nào cho doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp?

17:20' - 08/12/2016
BNEWS Sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam, kết quả thực hiện được còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhiều như kỳ vọng và yêu cầu của nền kinh tế.
tìm gọa đàm Giải pháp nào cho doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Với chủ đề “Phát triển kinh tế nông nghiệp – Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam”, chiều 8/12, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các cơ quan sở ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; các viện nghiên cứu chiến lược, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Với 2 nội dung trọng tâm: Tiềm năng và thực trạng đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam hiện nay; Những hạn chế và giải pháp giúp doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ngày càng phát triển, buổi tọa đàm nhằm chỉ ra những tiềm năng và lợi ích to lớn khi đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cũng như những hạn chế tiêu cực tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Từ đó, đề ra các giải pháp phù hợp và kịp thời, tạo đà cho các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng, sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Song, bức tranh của nền nông nghiệp nước nhà đang rất cần sự tham gia, đóng góp từ phía doanh nghiệp.

“Có lẽ trong 3 năm tái cấu trúc nền nông nghiệp, những người lãnh đạo mới thấy rõ hơn việc cần thiết phải đưa ra giải pháp thiết thực thu hút được doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhưng muốn giải quyết được việc này, chúng ta phải có sự thay đổi tư duy từ cơ chế đến chính sách”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng, nhận định: "Việt Nam đang đứng trước nền kinh tế hội nhập. Người nông dân Việt Nam vốn cần cù, nhưng không phải ai cũng ứng dụng được khoa học công nghệ; cũng như có điều kiện tiếp cận với thị trường.

Đây là khâu thể hiện rõ nhất vai trò của doanh nghiệp. Trước đây, mô hình kinh tế hộ hay hợp tác xã rất phát triển. Nhưng nay, doanh nghiệp phải đứng đầu và đi đầu bởi đơn giản, không ai tốt hơn doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, tìm kiếm cơ hội giao thương".

Ông Thắng nêu ví dụ điển hình, tỉnh Thái Bình rất mạnh về nông nghiệp, nhưng chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất. Trước đây thì có thể phát triển tốt, nhưng nay thì chỉ ở mức bình thường, bởi không có sự đột phá vì thiếu vắng vai trò của doanh nghiệp. Vì thế, nếu như Thái Bình có các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh được nền kinh tế của tỉnh. 

Cũng như nhiều diễn giả tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Phúc, cho rằng, cơ hội phát triển trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn còn rất lớn. Cái khó trong phát triển nông nghiệp hiện nay là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ doanh nghiệp đến người nông dân sản xuất và hợp tác xã. Nếu hợp tác xã chỉ dưạ theo mô hình hiện tại, thì không khác gì cơ chế “xin cho”. Đó chính là lý do vì sao cần phải xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới để doanh nghiệp và nông dân cùng hợp tác bền vững.

"Chính phủ cần có hành động, chính sách cụ thể từ phía chính quyền Trung ương tới các cấp cơ sở để làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, nhằm tăng cường khả năng liên kết chuỗi và tạo ra tính cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ. Tôi cho rằng cần phải xây dựng một khu công nghiệp nông nghiệp để các nhà khoa học, nghiên cứu cùng đồng hành với chúng tôi trong việc đầu tư vào nông nghiệp”, bà Hương đề xuất.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, trên mặt trận nông nghiệp cần huy động sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp. Từ đây, mở ra một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức và hành động của doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Để xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất nông nghiệp, cần bàn tay của Nhà nước với vai trò bà đỡ, tạo dựng và kết nối; với các chính sách cởi mở, tạo thuận lợi… Được như vậy, liên kết chuỗi mới thực sự đem lại hiệu quả và cơ hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục