Giải pháp nào để kiểm soát rủi ro cho vay tiêu dùng?

15:10' - 28/12/2017
BNEWS Hoạt động cho vay tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn tăng bình quân đạt 20% - 22%/năm.
Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng hơn 20%/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong những năm gần đây, các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng, từ đó góp phần thỏa mãn được nhu cầu vay tiêu dùng của đông đảo khách hàng cá nhân, cũng như đảm bảo sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh.

Hoạt động cho vay tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn tăng bình quân đạt 20% - 22%/năm.

*Tiềm năng thị trường lớn

Bên cạnh đó, nếu năm 2012, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng chỉ chiếm có 4% trong tổng dư nợ tín dụng của thành phố, thì đến năm 2015 là 6% và năm 2016 là 8%. Theo đó, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh có thể đạt 12,2%.

Ông Đỗ Thanh Sang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Sang Trọng, cho biết, những năm gần đây nhờ hợp tác với công ty tài chính và đồng hành cùng phát triển, doanh nghiệp đã phát huy được các lợi thế và tận dụng cơ hội bán hàng, thời gian bán nhanh hơn, thời gian tồn kho ngắn lại, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh; trong đó, trung bình doanh số trả góp chiếm 50% – 60% trên tổng số sản phẩm bán ra tại hệ thống. Bên cạnh đó, đối tác của công ty là công ty tài chính Home Credit còn liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và thậm chí 0% lãi suất.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi một năm tại Tp. Hồ Chí Minh tăng khoảng 400.000 dân. Nếu chỉ tính bộ phận dân số có hộ khẩu thì sẽ vào khoảng 10 triệu dân, còn nếu tính luôn cả số người tạm trú, vãng lai thì thời điểm này phải trên 13 triệu dân. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng trở nên rất lớn.

Các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều có điểm chung là cố gắng nâng chất hoạt động, kích thích cho vay tiêu dùng, từ đó sẽ đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của mảng kinh doanh này trong thời gian tới.

Chính vì vậy, hiện nay danh mục sản phẩm cho vay tiêu dùng của cả ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính đều rất đa dạng và nhiều dịch vụ hơn trước đây. Cụ thể, các đơn vị này đã phát triển các sản phẩm, dịch vụ như các khoản vay trả góp đối với các dịch vụ giáo dục, dịch vụ sức khỏe, hàng tiêu dùng (ô tô, xe máy, điện thoại…). Đồng thời, trong thời gian tới một số công ty tài chính còn có tham vọng phát triển sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng với phí thường niên thấp, không mất nhiều thời gian đăng ký giống như xét khoản vay.

Đánh giá về tiềm năng thị trường, các chuyên gia, cho rằng, vẫn còn rất nhiều dư địa cũng như tiềm năng để phát triển lĩnh vực cho vay tiêu dùng hơn nữa, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh đang là khá cao, luôn ở mức gấp rưỡi so với bình quân cả nước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2017 đạt 8,25%. Trong giai đoạn từ 2018 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến cũng sẽ tầm khoảng từ 8,3% - 8.5%. Ngoài ra, dân số Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng rất lớn sẽ là điều kiện tốt phát triển lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

*Giải pháp kiểm soát rủi ro

Hiện nay, lĩnh vực cho vay tiêu dùng trên thị trường đang có hai phân khúc riêng biệt và rất rõ rệt giữa ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính. Cụ thể, khách hàng của ngân hàng thương mại cổ phần là những khách hàng đạt chuẩn, còn công ty tài chính là những khách hàng dưới chuẩn; trong đó, khách hàng dưới mức chuẩn là đối tượng có mức rủi ro rất lớn, rơi vào khách hàng cá nhân, có mức thu nhập trung bình hoặc rất thấp, không có tài sản đảm bảo khi vay vốn…

Đặc biệt, sự hiểu biết, nhận thức về tài chính cũng như phương thức cho vay rất là hạn chế, cũng như không thể tiếp cận được nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số Công ty tài chính như Home Credit đã tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro cũng rất tốt, giữ được mức nợ xấu dưới 3%, thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, Home Credit đã phát triển quy mô 7 triệu khách hàng.

Theo đó, chia sẻ về các giải pháp kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, nhấn mạnh, 2016 công ty đã thành lập hẳn phòng Trải nghiệm khách hàng, nhằm thu thập phản hồi của khách hàng về tất cả các vấn đề trong suốt quá trình giao dịch và giải quyết kịp thời cho những khó khăn của khách hàng.

Bên cạnh đó, tính minh bạch luôn là giá trị cốt lõi trong mô hình kinh doanh, song song với không ngừng phát triển hệ thống và dịch vụ để cung cấp thông tin chính xác và rõ ràng đến khách hàng, hỗ trợ khách hàng theo dõi và quản lý khoản vay của mình bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tương tự, hiện nay trên thị trường, nhiều Công ty tài chính đang định hướng áp dụng công nghệ hiện đại cho tất cả các giai đoạn của quy trình nhằm đem lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Bởi theo đại diện các công ty này, tương lai của thị trường tài chính là tương tác kỹ thuật số và công nghệ này đang ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới. Việt Nam đã thích nghi với xu hướng này vô cùng nhanh chóng, với sự gia tăng chóng mặt của các công ty thương mại điện tử.

Cùng với những giải pháp thanh toán di động, hình thức cho vay ngang hàng (peer-to-peer), một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến, cũng đã xuất hiện. Trong khoảng thời gian tới, các công ty tài chính lâu năm sẽ phải nỗ lực cao độ để thay đổi và thích nghi với tình hình mới, còn những doanh nghiệp mới sẽ mang đến vô số điều thú vị cho thị trường.

Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các công ty tài chính phải có những dịch vụ và sản phẩm phù hợp, chuyên biệt để đáp ứng cho phân khúc này. Đồng thời, phải có sự đặc thù và quan trọng là phải được xã hội thừa nhận.

Cùng với việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 43 về lĩnh vực cho vay tiêu dùng vào cuối năm 2016, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính những điều kiện tốt nhất để thực hiện các hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật, đồng thời đạt được sự phát triển tốt nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục