Giải pháp nào để nuôi tôm hùm bền vững?

12:15' - 16/08/2017
BNEWS Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững thì phải có quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch này; không để xảy ra việc nuôi tự phát của người dân.
Người dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu chăm sóc các lồng tôm hùm nuôi. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ngày 16/8, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Phú Yên đồng chủ trì hội thảo khoa học “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên”

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích hiện trạng nuôi tôm hùm và các giải pháp phát triển bền vững; diễn biến bệnh trên tôm hùm và giải pháp kiểm soát dịch bệnh; những khó khăn trong quản lý, quy hoạch nuôi tôm hùm ở Phú Yên…

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng, Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nghề nuôi tôm hùm đưa lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước những thách thức về quy hoạch và quản lý, do chưa theo kịp thực tiễn sản xuất; mật độ nuôi tôm ngày càng gia tăng.

Một số điểm hiện đang nuôi tôm nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch. Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững thì phải có quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch này; không để xảy ra việc nuôi tự phát của người dân.

Đồng tình với quan điểm cần phải có quy hoạch vùng nuôi, tuy nhiên ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho rằng, người dân cần chia sẻ vấn đề này với chính quyền.

Hiện nay, người nuôi chưa tự bảo vệ sinh kế của mình. Chính quyền đã khuyến cáo nuôi đúng quy hoạch, đúng mật độ nhưng người dân cứ tự ý bỏ thêm lồng nuôi thì việc không thể kiểm soát dịch bệnh là điều dễ xảy ra.

Ngoài vấn đề xây dựng quy hoạch và quản lý vùng nuôi, quản lý được nguồn giống cũng là một giải pháp cần chú trọng để phát triển nuôi tôm hùm bền vững. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tự nhiên và nhập khẩu từ nước ngoài nên khó kiểm soát chất lượng.

PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, hướng đi phát triển bền vững cho tôm hùm là tất yếu; trong đó, khâu giống cần được chú trọng. Vì vậy cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc bởi tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.

Phú Yên được xem là “thủ phủ” nuôi tôm hùm của cả nước. Nghề nuôi tôm hùm bắt đầu từ những năm 1990 tại thị xã Sông Cầu. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 33.500 lồng nuôi, vùng nuôi được mở rộng thêm ra các huyện Tuy An và Đông Hòa.

Sản lượng tôm thu hoạch đạt 650 tấn đến 680 tấn/năm. Nghề nuôi tôm hùm thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương và nhiều công việc cho lao động dịch vụ hậu cần.

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi có chiều hướng gia tăng. Khảo sát cho thấy, số lượng lồng nuôi quá nhiều so với quy hoạch, mật độ nuôi dày. Bên cạnh đó lượng thức ăn cho tôm tồn đọng ngày một nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục