Giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư vào thủy lợi

20:17' - 01/09/2016
BNEWS Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức cho ngành thủy lợi.

Để giải quyết vấn đề này không phải là câu chuyện trong một sớm một chiều mà đòi hỏi nguồn lực rất lớn đầu tư vào ngành. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về những thách thức của biến đổi khí hậu lên hệ thống thủy lợi Việt Nam? 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng : Chúng ta đã chứng kiến một năm đầy thiên tai, từ hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đến bão lũ, sạt lở đất trong mùa mưa bão. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến sản xuất và đời sống nhân dân, trong khi yêu cầu của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng cao.

Sắp tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ công bố kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kịch bản thể hiện sự gia tăng của các giá trị trung bình như: nhiệt độ, mưa lũ, nước biển dâng…

Nhưng điều gay go nhất là sự cực đoan của thời tiết, thời gian xuất hiện thời tiết bất thường với tần suất dày hơn. Thách thức nữa là áp lực phát triển kinh tế xã hội, nhất là 10 năm trở lại đây Việt Nam sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, đất vùng ngập mặn ven biển. 

Đổi mới nền kinh tế; trong đó có nông nghiệp đòi hỏi việc cấp nước, phòng chống thiên tai ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp, hội nhập nền kinh tế đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất cũng như hướng tới một nền sản xuất sạch, ngay chất lượng nước cũng phải nâng cao.

Đặc biệt trong thủy lợi, trước đây chúng ta thiên mạnh đầu tư phục vụ cây lúa thì nay nhiều nơi phải chuyển sang cây trồng cạn, cây công nghiệp, thủy sản và cho nền kinh tế ven biển.

Từ trước đến nay, ngành thủy lợi tồn tại bản chất cố hữu là hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp nhưng nay phải chuyển sang cơ chế thị trường. Trong đó cái cốt lõi là huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, "biến" nước trở thành hàng hóa.

Mục tiêu đặt ra là phải huy động được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Những cơ chế này sẽ tạo cho người nghèo, những khu vực hạn hán có cơ hội tiếp cận với nguồn nước, với phòng chống thiên tai.

BNEWS: Vậy cần có những giải pháp nào để thu hút các nguồn lực đầu tư vào thủy lợi, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng : Thủy lợi là lĩnh vực cần đầu tư hạ tầng rất lớn. Nhà nước đầu tư rất lớn nhưng không bao giờ đủ. Nguồn vốn ODA bị hạn chế nên sẽ phải huy động vốn từ khu vực tư nhân và người sử dụng nước.

Hiện khu vực tư nhân đang rất hào hứng trong nhiều lĩnh vực của thủy lợi như cấp nước nông thôn, thủy lợi cho Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long… Đây là tín hiệu rất tốt để huy động nguồn lực này.

Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã quy định tương đối rõ đối tượng, hình thức đầu tư. Cần hướng dẫn sâu Nghị định này để huy động sự tham gia của doanh nghiệp.

Thể chế tốt cũng sẽ tạo động lực cho khoa học công nghệ phát triển, tạo cầu cho khoa học công nghệ hay thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực… Do vậy, thể chế là rất quan trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa thông tư hướng dẫn trong đặc thù của ngành nhưng quan trọng là nhận thức, khi chuyển sang PPP thì phải phân bổ lại nguồn lực đầu tư.

Nguồn đầu tư công đã được ấn định nhưng vẫn phải dành nguồn lực cho đầu tư PPP với một tỷ lệ nhất định. Nếu không với xu thế hiện nay vẫn muốn làm theo đầu tư công.

BNEWS: Nguồn ODA đang bị hạn chế, vậy việc huy động nguồn vốn này cho thủy lợi thời gian tới cần được đặt ra như thế nào? 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: ODA là nguồn lực quan trọng, không chỉ là tài chính, các công trình hạ tầng mà qua thực hiện còn nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam có thể tiếp cận được những thể chế tốt của thế giới.

Hiện nay Việt Nam đang vận động tốt nguồn vốn này cho an toàn đập, tái cơ cấu nông nghiệp, quản lý nước vùng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do nguồn vốn ODA giảm nên có thể hướng đến các nguồn vốn có ưu đãi thấp hơn để hỗ trợ cho khu vực tư. Các hệ thống hạ tầng thủy lợi lớn đang được đầu tư rất tốt, nhưng đối với hệ thống hạ tầng nhỏ như kênh mương nội đồng hay các trạm bơm để bơm nước từ các hồ đập lên ở khu vừa Tây Nguyên… còn thiếu rất nhiều.

Trong khi đó khu vực này sử dụng ngân sách nhà nước tôi cho rằng còn thiếu và hiệu quả không cao, không phát huy được sự đổi mới sáng tạo của tư nhân. Do đó, nguồn vốn này sẽ kéo khu vực tư nhân đầu tư vào thủy lợi, điều này vừa huy động được nguồn lực vừa có được sự quản lý bền vững./. 

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục