Giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải – Bài 3: Chưa có chế tài ràng buộc

06:38' - 24/11/2016
BNEWS Hiện nay vẫn chưa có chế tài nào ràng buộc trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đó là thông tin từ ông Châu Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý xây dựng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho hay. Đặc biệt là trách nhiệm với tiến độ thực hiện GPMB.

Ông Châu Anh Tuấn cho biết, theo luật pháp quy định, công tác bồi thường GPMB thuộc trách nhiệm tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, bao gồm rất nhiều việc như duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, ra thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, xây dựng tổ chức dịch vụ công về đất đai để thực hiện nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, duyệt giá đất cụ thể..... Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đủ hồ sơ dự án theo yêu cầu và cấp đủ kinh phí đền bù, cũng như tham gia vào hội đồng bồi thường.

Nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sơn La。Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trên thực tế, đại đa số cán bộ thực thi công tác này tại các địa phương đều được đào tạo từ các trường lớp chuyên ngành, cần mẫn, nhiệt tình, hợp tác tốt với dự án để lập hồ sơ, vận động nhân dân GPMB cho dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB), phần lớn cán bộ lại ngại va chạm. Họ chỉ triển khai cái rõ ràng, dễ dàng, khi vướng mắc dừng lại ngay hay tìm cách thoái thác trách nhiệm cho người khác.

Ngoài ra, văn bản chỉ đạo từ các Sở ngành (đơn vị tham mưu của tỉnh) còn có nội dung chung chung, gây nhiều khó khăn cho đơn vị cấp dưới triển khai.

Cũng do tiến độ dự án, các đơn vị thi công sẵn sàng chi trả thêm 1 khoản tiền cho gia đình để được thi công sớm (số tiền này chỉ mang tính thỏa thuận) nên vô hình chung đã tạo một thói quen, một nhận thức méo mó trong thống nhất phương án bồi thường theo đơn giá quy định.

Theo CPMB, công tác đền bù phục vụ thi công hiện nay chưa được Nhà nước quy định cụ thể về nội dung này. Các địa phương đều cho rằng đây là việc thương lượng giá cả của nhà thầu thi công với chủ tài sản.

Về vấn đề đền bù thi công, đền bù các hư hại do thi công gây ra, hiện nay các đơn vị thi công đang muốn áp dụng theo hình thức khoán gọn, nhưng do chưa có quy định mang tính ràng buộc pháp lý nào, nên vấn đề này đang chứa những rủi ro cao trong tiến độ thỏa thuận mức đền bù hư hại.

Điều này cũng dẫn đến hệ quả là đất thu hồi, cây trên đất thu hồi và cây trong hành lang phải chặt bỏ với đơn giá quy định, thường là thấp hơn giá thực tế, nhưng đất tạm, cây trên đất tạm cũng của hộ này, thường họ sẽ làm căng, gây khó cho đơn vị thi công để mong nhận được khoản tiền cao hơn giá bồi thường nhiều lần, làm cho công tác vận động càng thêm khó khăn và không có cơ sở để thuyết phục dân.

Đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Một số vướng mắc khác cũng đang tồn tại như chặt hạ cây, giải tỏa, cải tạo nhà (đối với di dời và cải tạo), các hộ dân sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đều không tự giải tỏa, với nhiều lý do: Trì hoãn để kéo dài thời gian thu hoạch hoa lợi; Chi phí thuê chặt hạ có khi cao hơn giá bồi thường; Tiền bồi thường hỗ trợ để di dời nhà thấp, trong khi phải thuê nhân công tháo dỡ. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ thi công đóng điện, CPMB phải tổ chức tháo dỡ, giải tỏa cây cối.

Trưởng ban Quản lý xây dựng Châu Anh Tuấn cho rằng, tại Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và các Nghị định liên quan đã quy định đầy đủ về hành lang an toàn lưới điện, điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây trên không có điện áp đến 220 kV, thủ tục cấp phép xây mới hoặc cơi nới cải tạo, xây mới nhà ở công trình trong hành lang bảo vệ vệ an toàn lưới điện.

Cụ thể như tại điều 51 của Luật Điện lực đã quy định: “chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được phép sử dụng mái nhà hoặc bất kỳ bộ phận nào của công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ quy định về bảo vệ an toàn dây dẫn điện khi sửa chữa hoặc cải tạo nhà ở công trình”.

Đồng thời, “trước khi cấp phép cho tổ chức cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện thì cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao thế về biện pháp bảo đảm an toàn dây dẫn điện và an toàn trong quá trình xây dựng cơi nới.”

Do vậy, “với bồi thường GPMB, chúng tôi không thể chủ động được, nếu xảy ra các rủi ro khác như phải thay đổi thiết kế, năng lực nhà thầu yếu chúng tôi đều có thể bù đắp bằng các biện pháp tự chủ của mình như tăng cường nhân lực, tăng thời gian thi công hàng ngày…”, ông Tuấn nói.

Theo đánh giá của EVN NPT , bất cập chính sách và ý thức hoàn thành trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ quyết định chất lượng công tác bồi thường GPMB. Bất cứ địa phương nào nếu ý thức của cấp chính quyền cao thì ý thức của người dân cũng rất cao.

Vì vậy, EVN NPT cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường GPMB các dự án truyền tải điện, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được rằng việc chấp hành luật pháp trong bồi thường GPMB là có lợi cho bản thân mình, là góp phần xây dựng đất nước phát triển, thì việc các cấp chính quyền địa phương nâng cao chất lượng quản lý đất đai, đô thị, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bồi thường GPMB sẽ là yếu tố quyết định cho công tác này.

Ví dụ có thể thực thi chế tài: “Nếu địa phương nào để người dân sử dụng đất sai mục đích, cấp chính quyền nào cấp quyết định sai thẩm quyền thì người đứng đầu cấp đó chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ kinh phí do việc sử dụng đất sai mục đích gây ra”.

“Nếu có chế tài đó, chắc chắn không địa phương nào để xảy ra hiện tượng sử dụng đất sai mục đích”, Trưởng ban Quản lý xây dựng EVN NPT khẳng định.

Để khắc phục các vướng mắc còn đang tồn tại trong GPMB, theo ông Tuấn, về phía các Ban Quản lý dự án, các Công ty truyền tải điện, ngay sau khi có Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) sẽ tập trung nhân lực để thực hiện sớm các thủ tục bồi thường GPMB với từng địa phương.

Đồng thời thông báo với các cấp chính quyền địa phương kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải và nhu cầu sử dụng đất của các dự án sẽ triển khai tại các địa phương để địa phương chủ động và có kế hoạch chuẩn bị./.

>> Giải quyết tồn tại về giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải – Bài 1: Vướng từ quản lý đất đai

>> Giải quyết tồn tại về giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải – Bài 2: Vướng cả đơn giá đền bù

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục