Giải phóng mặt bằng công trình lưới điện - Bài 3: Hệ thống văn bản chưa sát với thực tế

10:02' - 14/07/2016
BNEWS Quá trình thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng bị chi phối bởi rất nhiều các văn bản pháp luật; trong đó quan trọng nhất là các văn bản về Luật Đất đai, Luật Điện lực.
Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất đối với các dự án truyền tải điện. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), công tác bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến rất nhiều chủ thể như người dân, các doanh nghiệp, các đơn vị quốc phòng, các chủ thể quản lý rừng, quản lý đường sông, đường giao thông bộ, đường sắt, quản lý đất đai, công tác bảo vệ môi trường...

Chính vì vậy quá trình thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng bị chi phối bởi rất nhiều các văn bản pháp luật; trong đó quan trọng nhất là các văn bản về Luật Đất đai, Luật Điện lực và các Nghị định liên quan.

Với việc bị điều chỉnh bởi nhiều luật định liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng nên các luật định này gặp mâu thuẫn là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó nội dung của từng luật định nhiều khi còn chưa sát thực tế cuộc sống nên gây rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian để lựa chọn phương án bồi thường giải phóng mặt bằng hài hòa được các quyền lợi của các chủ thể.

Đơn cử như trong Nghị định 14/CP quy định về hành lang an toàn lưới điện có quy định về mức hỗ trợ cao nhất đối với đất hoặc tài sản bị ảnh hưởng hoặc bị giảm hiệu quả sử dụng bởi các công trình truyền tải điện, nhưng thực tế tại mỗi địa phương đơn giá đất và tài sản rất khác nhau, nên khi áp dụng theo quy định này đã mất rất nhiều thời gian để các địa phương xác định mức hỗ trợ hợp lý. Nhiều địa phương đã phải tăng đơn giá đất hoặc áp dụng mức hỗ trợ khác so với Nghị định.

Trong Luật Đất đai cũng như các văn bản của Chính phủ giao cho các cấp chính quyền tỉnh phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất hoặc hành lang bị ảnh hưởng bởi công trình, nhưng lại không đề cập đến trách nhiệm đối với công tác bồi thường đất mượn thi công.

Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy đối với các nhà thầu xây lắp khi phải thỏa thuận với các chủ thể bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công.

Bên cạnh đó, các văn bản luật chưa có các điều khoản quy định rõ về tiến độ thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các cấp chính quyền địa phương và các chế tài về trách nhiệm các các nhân tổ chức liên quan nếu không tuân thủ, điều này dẫn đến chủ đầu tư hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào thái độ chủ quan của các cấp chính quyền địa phương.

Vị trí 317 đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Mặt khác, cũng có một thực tế là công tác quản lý đất đai của các cấp địa phương còn chưa tốt, đây có thể là lý do chính dẫn đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Việc quản lý chưa tốt thể hiện trên thực tế như thỏa thuận mặt bằng công trình truyền tải điện chồng lấn với các công trình khác.

Ví dụ như công trình đường dây 220 kV Hòa Bình-Tây Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình vừa cấp mặt bằng tuyến cho EVN NPT , sau đó lại thỏa thuận mặt bằng khu công nghiệp Mông Hóa cho chủ đầu tư khác.

Việc này dẫn đến phải thực hiện lại rất nhiều thủ tục pháp lý, giải quyết tranh chấp giữa các chủ đầu tư, mà trong trường hợp công trình truyền tải điện bị điều chỉnh còn thực hiện thêm thủ tục hiệu chỉnh dự án.

Trong khi đó, nhiều địa phương để người dân sử dụng sai mục đích sử dụng đất mà không biết, dẫn đến tranh chấp nhiều trong quá trình tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân. Chính quyền thì yêu cầu đền bù theo loại đất cũ, người dân thì đòi đền bù theo loại đất mà họ đã tự sử dụng theo mục đích mới....

Chưa kể có địa phương không quản lý được quá trình chuyển đổi quyền sử dụng, dẫn đến quá trình tìm chủ sở hữu đất đai và tài sản bị kéo dài. Hoặc do địa phương không quản lý tốt, để người dân xây dựng không đúng quy hoạch, đến khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng gây tranh chấp giữa người dân và các cơ quan quản lý cấp xã, huyện....

Theo ông Châu Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý xây dựng EVN NPT, một nguyên nhân lớn gây chậm trễ trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình truyền tải điện là do người dân và các tổ chức chưa tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp.

Điều này thể hiện ở việc người dân tự ý xây dựng các công trình mới trên đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình truyền tải, do đó, dẫn đến mất rất nhiều thời gian để giải quyết tranh chấp.

Nhiều khi ngành điện phải hiệu chỉnh cả đoạn tuyến dài để tránh những công trình mà người dân cố tình xây nhằm hưởng lợi từ bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Do một số người dân sử dụng đất sai mục đích, nhưng khi chính quyền thu hồi để xây dựng công trình vẫn cố tình chống đối đòi mức bồi thường hỗ trợ cao hoặc cố tình tạo các khiếu kiện mặc dù đã biết là sai luật định”, ông Châu Anh Tuấn cho biết.

Theo luật định, các chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện xã phải chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng trên thực tế còn chưa thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình trong công tác này. Cụ thể như tiến độ thực hiện công tác chính quyền địa phương cho một dự án cụ thể chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm thích đáng.

Khi phát hiện các sai sót của các cấp lãnh đạo thời gian trước trong việc quản lý đất đai nhưng chưa thẳng thắn tiếp nhận để giải quyết tiếp mà vẫn lảng tránh dẫn đến thời gian giải quyết quyền lợi của người dân bị kéo dài rất nhiều.

Ngoài ra, theo ông Châu Anh Tuấn, chất lượng công tác khảo sát thiết kế ở một số ít dự án còn chưa tốt cũng là một nguyên nhân dẫn đến bồi thường giải phóng mặt bằng bị chậm chễ do lựa chọn hướng tuyến không hợp lý để tránh các khu vực gặp khó khăn trong công tác này.

Nói tóm lại, quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bằng phụ thuộc rất nhiều vào tính hiệu lực của các văn bản pháp luật và năng lực quản lý đất đai, năng lực điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Đây cũng là quá trình phức tạp, liên quan đến rất nhiều các chủ thể trong xã hội, va chạm với rất nhiều các quyền lợi, lợi ích của các cá nhân, tổ chức đang sở hữu các tài sản và đất đai bị ảnh hưởng của các công trình./.

>>> Đón đọc: Bài 4: Bài học kinh nghiệm là tính đúng, tính đủ và minh bạch

Xem thêm: 

Bài 1: Nguy cơ chậm tiến độ

Bài 2: Vướng do đâu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục