Giảm đáng kể khai thác theo hình thức tận diệt nguồn lợi thuỷ sản

07:51' - 03/10/2016
BNEWS Sau khi được cấp quyền khai thác mặt nước, ý thức của các hội viên Hội nghề cá ở Thừa Thiên Huế được nâng lên rõ rệt, giảm đáng kể tình trạng khai thác theo hình thức tận diệt nguồn lợi thuỷ sản.
Thừa Thiên Huế: Giảm đáng kể tình trạng khai thác theo hình thức tận diệt nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh minh họa: Duy Khương - TTXVN

Hội nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 75 chi hội cơ sở với trên 6.000 hội viên, trong đó có 50 chi hội nghề cá hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và 13 chi hội nghề cá hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển.
Các chi hội nghề cá ở Thừa Thiên - Huế đã từng bước giao quyền, mở rộng khai thác mặt nước cho hội viên, triển khai và nhân rộng các mô hình chi hội sản xuất tiên tiến, tích cực tham gia quản lý cộng đồng vùng đầm phá, các vùng ven biển đánh bắt tập trung.

Các chi hội còn thực hiện nghiêm luật thủy sản, quy chế quản lý khai thác thủy sản trên biển và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho hội viên.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.700 tàu thuyền gắn máy với tổng công suất trên 60.000 CV và 2.000 thuyền thủ công khai thác thủy sản vùng đầm phá. Ngoài đánh bắt trên biển, sản lượng thủy sản tự nhiên mỗi năm ở vùng đầm phá đạt khoảng 4.000 tấn.

Những năm gần đây, Thừa Thiên - Huế chuyển từ đánh bắt tự nhiên trên đầm phá sang quản lý nghề cá quy mô nhỏ ở đầm phá bằng cách dựa vào cộng đồng ngư dân.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã thành lập được 23 khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng, với hơn 614,2 ha (chiếm 2,8%) mặt nước vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và giao cho các chi hội nghề cá cơ sở trực tiếp quản lý.
Huyện Phong Điền có 639,41 ha đầm phá. Đến nay, toàn huyện thành lập được 5 chi hội nghề cá ở các xã Điền Hải, Điền Hòa và Phong Hải, thu hút khoảng 100 hội viên tham gia. Các chi hội được giao 89,15 ha mặt nước để quản lý, kinh doanh.

Sau khi được cấp quyền khai thác mặt nước, ý thức của các hội viên được nâng lên rõ rệt, giảm đáng kể tình trạng khai thác theo hình thức tận diệt nguồn lợi thuỷ sản. Ngư dân trong vùng được giao chủ quyền mặt nước góp phần tăng cường các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Trong khuôn khổ kế hoạch năm 2016, mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) thả hơn 1.500 con tôm sú trưởng thành xuống biển nhằm bổ sung, tái tạo nguồn tôm sú bố mẹ.

Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế kết hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và các tổ chức đoàn thể, phòng ban của chính quyền UBND xã Hải Dương kêu gọi cộng đồng ngư dân, các em học sinh cùng với các cơ quan liên quan chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn kịp thời nguồn tài nguyên biển nói chung, thủy hải sản nói riêng đang suy giảm rõ rệt sau sự cố môi trường biển vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Khắc Đính khẳng định: Việc giao quyền khai thác thủy sản đến từng chi hội nghề cá là việc làm cần thiết, bởi khi được giao quyền khai thác thủy sản thì các chi hội sẽ quản lý chặt chẽ các hội viên trong việc khai thác, nuôi trồng và cấm triệt để khai thác hủy diệt; đồng thời, xây dựng quy chế như: xử phạt các hành vi vi phạm, tổ chức đấu thầu những vùng trọng điểm, nhằm giúp các hội viên nâng cao ý thức quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng phát triển bền vững.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục