Giảm lãi suất đô la Mỹ có thể đạt được nhiều mục tiêu

15:13' - 29/09/2015
BNEWS Quyết định giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ (USD) của Ngân hàng Nhà nước hôm 27/9 vừa qua được xem là một bước đi khá bất ngờ.

Lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức còn 0%/năm. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đưa mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Các chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý đều nhìn nhận động thái này có thể đạt được nhiều mục tiêu.

Lý giải về nguyên nhân điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, giải pháp này sẽ giúp cho việc nâng cao sức hấp dẫn của tiền đồng Việt Nam (VND) và từ đó hạn chế tình trạng đô la hóa theo đúng phương châm điều hành mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất USD lần này của nhà điều hành là rất mới, khá táo bạo và có thể đạt được nhiều mục tiêu. Đây là một bước rất căn bản cắt bỏ động lực gửi USD lấy lãi của các doanh nghiệp và các tổ chức, góp phần giảm thiểu tình trạng đô la hóa. Đây là giải pháp đã đi đến giới hạn của sự quyết liệt.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, quyết định của Ngân hàng Nhà nước không những giảm thiểu tình trạng đô la hóa mà còn làm giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết để ổn định tiền đồng trong lúc này.

Việc giảm lãi suất tiền gửi USD cũng làm giảm động cơ găm giữ USD và tác động bình ổn mặt bằng lãi suất tiền đồng, hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế.

Vị chuyên gia này tính toán, với mức điều chỉnh mới, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD và lãi suất tiền gửi VND tăng lên do lãi suất tiền gửi USD giảm xuống mức thấp nhất có thể.

Điều này sẽ khuyến khích cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD và gửi tiền vào tài khoản VND để hưởng lãi suất cao.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, trong trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai thì việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ khi đến hạn thanh toán hoặc mua ngoại tệ kỳ hạn luôn cũng có lợi hơn là găm giữ ngoại tệ.

Còn ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam thì cho rằng, người dân cũng như doanh nghiệp sẽ phải tính toán một cách hợp lý giữa việc nắm giữ ngoại tệ với mức lãi suất như vậy hay chuyển đổi ra tiền đồng để đầu tư kinh doanh hoặc gửi với lãi suất cao hơn.

“Tôi cho rằng với việc điều hành này sẽ có một lượng vốn chuyển đổi sang tiền đồng và như vậy sẽ tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá cũng như ổn định mặt bằng lãi suất tiền đồng”, ông Lê Đức Thọ nói.

Với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thông tin này mang đến hy vọng sẽ được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần ống đồng Toàn Phát cho hay, việc đưa lãi suất về 0% sẽ có tác động khá tốt, có thể doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay bằng USD với lãi suất thấp hơn.

“Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nguồn vốn bằng USD giữ lại để trả cho những khoản nợ vay trước đó. Trước chính sách này, chúng tôi sẽ không găm giữ USD nữa mà sẽ tăng tính luân chuyển từ đồng USD sang tiền đồng, từ đó chúng tôi sẽ đưa nhiều nguồn tiền đồng vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Hữu Khôi nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Quyết định này cũng giúp cho Ngân hàng Nhà nước có thêm cơ hội để giảm bớt áp lực phải chi bán ngoại tệ cân đối vừa qua khi điều chỉnh tỷ giá. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhận định, khi các doanh nghiệp không còn động lực để gửi tiết kiệm USD nữa thì họ phải có giải pháp xử lý nguồn ngoại tệ của mình, có thể là mua đi bán lại với nhau hoặc bán ra để lấy tiền đồng hoặc chuyển đổi sang loại ngoại tệ khác…

“Việc này sẽ tạo ra sự tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường, qua đó giúp cho các đơn vị thiếu có thể mua được, kể cả Ngân hàng Nhà nước trong việc mua để bổ sung dự trữ ngoại hối”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng nhận định, đây có thể là sự chuẩn bị trước của Ngân hàng Nhà nước đối với việc có thể tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Hiện tại, áp lực tăng đã có và rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm 2015. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng trở lại với mức như cũ hoặc tương đương. Điều này sẽ giúp cho lãi suất của đồng USD không bị cao quá và không kích thích dòng chảy ngược trở lại từ VND sang USD./.

Đỗ Huyền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục