Giảm rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư

14:37' - 25/11/2015
BNEWS Ngày 25/11, IPSARD và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi do nông nghiệp thông qua liên kết công – tư ở Việt Nam”.
Ảnh minh họa. TTXVN
Tại hội thảo công bố báo cáo dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi do nông nghiệp thông qua liên kết công – tư ở Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức ở Hà Nội ngày 25/11, nhiều chuyên gia cho rằng bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính để quản trị rủi ro trong nông nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả. Nhưng cần có cơ chế chính sách cho loại hình bảo hiểm này bởi vì, đây là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội cao, nếu chỉ để riêng cho doanh nghiệp thì rất khó thành công.
Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tăng cường quản lý rủi ro mà hỗ trợ nông dân ứng phó với tình hình dịch bệnh, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn.
Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số công ty bảo hiểm thử nghiệm cung cấp từ những năm 1980 nhưng thất bại. Giai đoạn 2011-2013, Việt Nam đã tiến hành chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp áp dụng cơ chế liên kết công – tư và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi và đảm bảo thành công, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều từ các mô hình trên thế giới.
Theo ông Hoàng Xuân Điều, Giám đốc Ban bảo hiểm nông nghiệp, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, quản lý rủi ro trong nông nghiệp là vấn đề mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn. Trong khi đó, bảo hiểm trong nông nghiệp vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp, tổ chức triển khai trong thực tế. Bảo hiểm nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của cả Nhà nước cũng như các tổ chức.
Qua triển khai dự án, các chuyên gia cho rằng, nên có cơ quan chuyên trách về bảo hiểm nông nghiệp; trong đó phải có một nhóm tư vấn bảo hiểm nông nghiệp chịu trách nhiệm điều phối hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, phối hợp hoạt động các đối tác công và tư. Nhóm tư vấn bảo hiểm nông nghiệp cần có sự góp mặt của các đại diện đến từ khu vực tư nhân (đại diện cho nông dân, công ty bảo hiểm) và khu vực công (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, chính quyền địa phương).
Theo ông Trần Công Thắng, Nhà nước nên hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách còn về định hướng bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp nên giành cho các công ty bảo hiểm, từ đó nông dân sẽ có thêm sự lựa chọn đối với nhiều loại sản phẩm bảo hiểm, qua đó góp thúc đẩy sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp.
Trên thế giới hiện nay có 3 mô hình bảo hiểm nông nghiệp phổ biến là: công, tư nhân và mô hình liên kết công - tư. Những mô hình bảo hiểm nông nghiệp thuần túy công hay tư đã bộc lộ nhiều hạn chế nên khó phát triển rộng và bền vững. Trong khi đó, mô hình công tư đã được thực hiện rất thành công ở một số nước như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Tây Ban Nha, góp phần tích cực đảm bảo sự phát triển bền vững cho hệ thống bảo hiểm nông nghiệp những nước này./.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục