Giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải

16:13' - 01/10/2016
BNEWS Ngày 1/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải

Ngày 1/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã đến giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa–TTXVN

Buổi giám sát còn có sự tham gia của đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất thiết kế khoảng 4.200 MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 878,91 ha.

Dự án gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và cảng than lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long do Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tổng công ty Phát điện 1 làm chủ đầu tư.

Riêng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Malaysia làm chủ đầu tư. Trung tâm Điện lực Duyên hải thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã được đưa vào vận hành thương mại, chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia vào tháng 1/2016, Tổ máy số 1 của Nhà máy Duyên Hải 3 vừa đưa vào vận hành thử nghiệm.

Tuy nhiên, khi đi vào vận hành, các nhà máy này đã có những tác động đến đời sống dân cư trong khu vực, ảnh hưởng về môi trường…

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi đưa vào vận hành các tổ máy, chủ đầu tư chưa đánh giá tác động môi trường đúng quy định; thay đổi xả thải từ công nghệ ướt sang công nghệ khô; hệ thống xử lý chất thải công nghiệp hiện tại không đúng theo báo cáo tác động môi trường ban đầu; các tổ máy tăng công suất từ 600MW theo thiết kế ban đầu lên 625,5MW/tổ máy…

Điều đáng lo ngại là hiện nay, lượng xỉ than thải ra khoảng 1,6 triệu tấn/năm, trong khi diện tích bãi chứa xỉ chỉ 39 ha, dự đoán khoảng 2,5 năm lượng xỉ than sẽ không còn chỗ chứa.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban quản lý dự án khẩn trương khắc phục các sự cố về môi trường do Nhà máy nhiệt điện gây ra, thực hiện các yêu cầu của Tổng cục Môi trường.

Ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó Giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Công ty Phát điện 1) cho biết, hiện nhà máy đã vận hành hệ thống thiết bị xử lý môi trường như: hệ thống khử NOx trong khói thải, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử SOx trong khói thải theo đúng quy chuẩn mới; đã thay thế các phương thức đốt dầu FO tại lò hơi phụ bằng đốt dầu DO.

Hiện, các nhà máy đang triển khai lấy mẫu phân tích tro, xỉ theo đúng quy trình hướng dẫn trong QCVN 07:2009/BTNMT để đề nghị tận dụng làm vật liệu trong ngành xây dựng; lắp thêm hệ thống phun nước tự động trên bề mặt bãi xỉ, nhằm tạo ẩm, tránh phát tán bụi từ bãi xỉ vào môi trường không khí. Đơn vị cung đang tiếp cận và kí hợp động nguyên tắc mua bán tro, xỉ với các doanh nghiệp đủ chức năng thực hiện làm vật liệu xây dựng…

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Ban quản lý dự án “Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1” đã có biện pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường theo Thông báo số 30/TB-KSMT ngày 24/3/2016 và công văn số 107/KSMT-XLVP ngày 29/3/2016.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Tổ công tác Hội đồng liên ngành mới đây về công tác bảo vệ môi trường của dự án cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tổng cục Môi trường đề nghị Ban quản lý dự án cung cấp thêm hồ sơ, tài liệu để chứng minh việc hoàn thành thay đổi quy trình công nghệ chuyển đổi dầu DO cho lò hơi phụ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) vận hành ngay khi khởi động lò (sử dụng dầu FO) bằng việc sử dụng hợp lý các trường lọc bụi (mỗi hệ ESP có 05 trường); Ban quản lý áp dụng biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh theo báo cáo đã được phê duyệt, bao gồm cả trồng cây xanh quanh khu vực bãi xỉ và kho than.

Tổng cục Môi trường cũng đề nghị Ban quản lý phân định, phân loại dòng tro bay thải phát sinh (tại các giai đoạn vận hành của quá trình khởi động lò) theo QCVN 07:2009/BTNMT để quản lý theo đúng quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất thải, phế liệu.

Đồng thời khẩn trương xây lắp bổ sung thiết bị thu hồi váng bọt tại bể chứa nước thải sau hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) để giảm triệt để lượng chất thải này xả ra biển, tránh trường hợp nước thải lẫn nước làm mát kéo theo váng bọt xả ra biển tại đập chặn.

Tổng cục Môi trường cũng đề nghị Ban quản lý dự án thiết lập điểm quan trắc nước thải sau xử lý của hệ thống FGD trước khi nhập với nước thải làm mát; thực hiện kiểm soát định kỳ các thông số môi trường trong nước thải để đảm bảo nước thải của hệ thống FGD không ảnh hưởng đến môi trường trước khi xả vào hệ thống thoát nước làm mát; tiến hành lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để kiểm soát một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải trước khi xả ra biển.

Ban Quản lý dự án cần lưu ý tính bền vững của các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả ổn định; kiểm định, hiệu chuẩn và chạy thử nghiệm thiết bị quan trắc tự động theo quy định; có camera giám sát ghi lại hình ảnh và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh để theo dõi, giám sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục