Giảm tổn thất điện năng - Bài 5: Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư

06:47' - 06/09/2016
BNEWS Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổn thất điện năng của Công ty Truyền tải điện 4 đã đạt kế hoạch EVNNPT giao trong năm 2016 là 1,2%, thấp nhất trong 4 Công ty Truyền tải điện.

Với Công ty Truyền tải điện 4, đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải có khối lượng 6.007 km đường dây 220kV và 500kV, tổng dung lượng trạm biến áp 28.665 MVA thì việc giảm tổn thất điện năng trên lưới điện là một nhiệm vụ quan trọng song song với việc đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện. Bởi đơn vị này có sản lượng điện truyền tải chiếm hơn 50% sản lượng điện toàn quốc. 

Trạm biến áp siêu tiết kiệm Amorphous sử dụng công nghệ Nhật Bản, tiết kiệm khoảng 70% điện năng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty cho biết, ý thức được trách nhiệm của mình đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để giảm tổn thất điện năng. Tỷ lệ tổn thất điện năng các năm qua đã giảm đáng kể, luôn đứng đầu trong khối truyền tải điện và cũng tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổn thất điện năng của đơn vị đã đạt kế hoạch Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao trong năm 2016 là 1,2%, thấp nhất trong 4 Công ty Truyền tải điện.

Để thực hiện được mục tiêu trên, theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hóa, trước hết Công ty huy động toàn bộ hệ thống chính trị để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn đơn vị ý thức về giảm tổn thất điện năng. Công ty đã thành lập ban chỉ đạo chống tổn thất điện năng cấp Công ty và cấp Truyền tải điện để chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện giảm tổn thất điện năng của các đơn vị.

Đồng thời chỉ đạo các Truyền tải điện giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cho các đội Truyền tải điện và các trạm biến áp, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện giảm tổn thất điện năng đến từng CBCNV.

”Bên cạnh đó, việc hạn chế sự cố lưới điện đến mức thấp nhất, không để xảy ra sự cố kéo dài, không để sự cố xảy ra trên các đường dây 500kV khi phải truyền tải công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, vừa giúp đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho nhân dân, vừa hạn chế tình trạng phải chuyển tải sang các đường dây khác làm đầy và quá tải đường dây đó, gây tăng tổn thất điện năng”, ông Hóa cho hay.

Cùng với việc tăng cường phối hợp giữa các đơn vị để hạn chế tối đa việc cắt điện sửa chữa tại các thời điểm lưới điện đang phải truyền tải cao giúp giảm tổn thất điện năng, Công ty Truyền tải điện 4 còn phối hợp với các Tổng Công ty Điện lực để tăng cường nối lưới 110kV nhằm phân bố đều phụ tải giữa các trạm, tránh quá tải các đường dây và máy biến áp, từ đó giảm tổn thất điện năng.

Mặt khác, Công ty cũng đảm bảo vận hành an toàn tin cậy các giàn tụ bù (thiết bị giảm tổn thất trên lưới điện truyền tải) và hàng năm đều có tính toán để có kế hoạch đầu tư bổ sung thiết bị này giúp cho việc hạn chế việc truyền tải lớn công suất trên đường dây, gây tăng tổn thất điện năng. Đồng thời triển khai công nghệ rửa sứ khi đang mang điện để hạn chế việc cắt điện vệ sinh thiết bị và đường dây giúp giảm tổn thất điện năng.

Công nhân Truyền tải điện Khánh Hòa vệ sinh sứ bằng công nghệ Hotline​. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Việc phân công bộ phận theo dõi, phân tích tổn thất điện năng trên từng đường dây, từng máy biến áp trong từng tháng để kịp thời có các giải pháp phù hợp giảm tổn thất điện năng cũng là một trong những giải pháp được Công ty áp dụng hiệu quả trong thời gian qua.

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia, đảm bảo cung cấp điện cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, hàng năm Công ty Truyền tải điện 4 đã chủ động đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng kịp thời việc cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh thành phía Nam.

Giám đốc Công ty Võ Đình Thủy cho biết, một số dự án đầu tư tiêu biểu được thi công vượt tiến độ trong thời gian gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc đảm bảo cung ứng điện năng, hạn chế phải truyền tải cao, từ đó góp phần chống quá tải và giảm tổn thất điện năng trong khu vực lưới điện do Công ty quản lý.

Đơn cử như: Công trình nâng công suất máy biến áp 500kV tại Trạm biến áp 500kV Ô Môn lên 900 MVA hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch được giao mang lại hiệu quả rất lớn trong truyền tải công suất giữa hai miền Đông – Tây.

Ngay tại thời điểm đóng điện đã giúp cho việc đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh miền Tây khi Nhà máy điện Cà Mau ngừng phát điện do bị ngừng cung cấp khí để sửa chữa đường ống.

Hay như công trình “Tăng cường công suất Trạm biến áp 220kV Cao Lãnh” hoàn thành có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đồng Tháp và các khu vực lân cận đang trong thời điểm quá tải.

Công trình “Lắp đặt giàn tụ bù 110kV tại Trạm biến áp 500kV Phú Lâm” hoàn thành sớm hơn hai tháng so với kế hoạch đã góp phần cải thiện chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng trên hệ thống. Đồng thời tăng cường hiệu quả truyền tải công suất cao trên lưới điện truyền tải.  

Bên cạnh đó, các công trình thay máy biến áp cho các trạm 220kV Cai Lậy (Tiền Giang), Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Châu Đốc (An Giang), Cà Mau ... đều thi công vượt tiến độ đáp ứng kịp thời việc chống quá tải cho các tỉnh miền tây Nam bộ, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho nhân dân.

Theo ông Võ Đình Thủy, từ nay đến cuối năm, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp tục triển khai các dự án vượt tiến độ được giao như tăng cường công suất thêm cho trạm 220kV Sóc Trăng; thay máy biến áp 220kV, dung lượng 250 MVA cho trạm Kiên Bình (Kiên Giang); lắp 8 giàn tụ bù 110kV, dung lượng 50 MVA cho các trạm biến áp.

Ngoài việc trực tiếp quản lý và thi công các công trình truyền tải, Công ty Truyền tải điện 4 còn tham gia chuẩn bị sản xuất, nghiệm thu và tiếp nhận vận hành các công trình lưới điện 220kV, 500kV do các Ban Quản lý dự án quản lý.

Từ đó, nhiều công trình lớn đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam như các đường dây 500kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định, Vĩnh Tân - Sông Mây, Duyên Hải - Mỹ Tho, đường dây 220kV Đắc Nông - Bình Long; các trạm 500kV: Sông Mây, Cầu Bông, Duyên Hải, Mỹ Tho... cùng nhiều công trình khác đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong kế hoạch năm 2016 và các năm tiếp theo, các dự án đầu tư xây dựng của EVNNPT sẽ được xem xét kỹ mục tiêu về giảm tổn thất công suất và độ tin cậy cung cấp điện, ưu tiên thực hiện các dự án có hiệu quả cao hơn trong việc giảm tổn thất điện năng và đảm bảo yêu cầu về cung cấp điện, từ đó nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư.

Theo đó, Tổng Công ty sẽ hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 68 công trình lưới điện truyền tải 500kV với tổng chiều dài khoảng 3.465 km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 25.000 MVA; 315 công trình lưới điện truyền tải 220kV với tổng chiều dài khoảng 7.583 km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 35.340 MVA.

Xe vệ sinh cách điện Hotline. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong đó có nhiều dự án quan trọng đồng bộ với các nguồn điện đang đầu tư xây dựng, các dự án cải tạo, nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và các dự án có trong danh mục các công trình lưới điện truyền tải cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Ban Kỹ thuật, EVNNPT cho biết, việc thực hiện đúng tiến độ các dự án này sẽ đạt được các mục tiêu nâng cao khả năng cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện áp, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và góp phần hiệu quả giảm tổn thất điện năng.

Ngoài ra, Tổng Công ty còn liên tục rà soát, bổ sung các công trình chống quá tải đối với các đường dây và máy biến áp thường xuyên vận hành đầy và quá tải.

Đây là giải pháp quan trọng có tính quyết định đến việc giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, trong năm 2016, Tổng Công ty đặt tiêu giảm tổn thất điện năng về mức 2,1%, giảm 0,24% so với mức thực hiện năm trước.

>>> Công ty Truyền tải Điện 1 phản hồi về sự cố tràn dầu ở Trạm biến áp 220 KV Vĩnh Yên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục