Giếng Mắt Rồng - điểm hút du khách tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc

06:13' - 21/09/2016
BNEWS Những ngày qua, hàng vạn lượt du khách thập phương đã về với Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2016. Ai đến với di tích Kiếp Bạc, đều ít nhất một lần dừng chân bên chiếc giếng cổ Mắt Rồng.

Giếng nằm cách mặt sau nghi môn của di tích đền Kiếp Bạc chừng 12m. Nhiều người đi qua khu vực này đều dừng chân, đứng lặng để cầu những điều tốt đẹp.

Ông Vũ Văn Công (xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Đã 3 năm nay, tôi liên tục đi lễ hội Đền Kiếp Bạc. Khi đứng trước giếng Mắt Rồng, tôi thường cầu sức khỏe cho bản thân và những người trong gia đình mình”.

Ai đến với di tích Kiếp Bạc, đều ít nhất một lần dừng chân bên chiếc giếng cổ Mắt Rồng. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, giếng được hình thành do mạch nước ngầm của dãy núi Rồng chảy ra. Sự xuất hiện của giếng Mắt Rồng gắn liền với tướng Yết Kiêu, một gia tướng thạo sông nước của Trần Hưng Đạo.

Truyền thuyết kể lại rằng, khi Trần Hưng Đạo chuyển từ thung trong ra thung ngoài, Yết Kiêu đã phát hiện ra mạch nước ngầm này. Tương truyền, một hôm Trần Hưng Đạo cùng Yết Kiêu đứng ở đại bản doanh Vạn Kiếp quan sát địa thế, núi rừng, chợt Yết Kiêu thấy lấp lánh một vệt sáng, đến gần phát hiện ra vũng nước tròn, sâu, nước trong vắt.

Múc nước uống thấy trong người khoan khoái lạ thường. Trần Hưng Đạo bèn chắp tay vái tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và lệnh cho quân sĩ khơi thông, mở rộng mạch nước, dùng gạch đá kè thành giếng để giữ nước phục vụ binh sĩ. Quân lính nhà Trần khi uống nước từ giếng như được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi ra trận.

Theo những tư liệu còn giữ được tại Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, thời vua Tự Đức, một số văn bia đề cập đến quá trình tu sửa đền Kiếp Bạc, trong đó có nói đến một chiếc giếng cổ, tức giếng Mắt Rồng.

Các văn bia “Vạn An Dược Sơn linh từ bi ký” và “Trùng tu tiểu ký” có viết: “có một cái giếng nước rất ngọt nhưng cũng đều bị hư hỏng, hoang phế”, hoặc “đền có một cái giếng cổ nước trong mà ngọt, thổ dân nói rằng nước giếng có mạch suối ngầm từ giữa cửa chính… đào lên thử xem, được mấy xích thì thấy vòi nước phun lên… nói với thổ dân rằng, mạch suối ở chỗ này ư?

Ta dời nó vào chính giữa thì sao. Mọi người đều nói dùng đá mà kè trụ thì bên trong tam quan đều ngập thành ao hết”.

Trong những đợt tu bổ này, giếng Mắt Rồng đã được khơi thông để làm nguồn nước phục vụ cúng tế và sinh hoạt cho đền. Văn bia thời Tự Đức có chép việc người xưa “dùng gạch đá xây lại như cũ”, “khơi thông lại giếng đã bị phế bỏ”. Sau năm 1954, giếng Mắt Rồng vẫn còn.

Năm 1985, do nhận thức chưa đúng về chống mê tín dị đoan, mặt khác do vị trí của giếng không thuận cho việc đi lại nên giếng đã bị lấp. Đến năm 1997, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, giếng được khôi phục, sâu 2m, lòng kè gạch chỉ, sau đó quây đá xanh phía trên, cao 80cm tạo thành giếng. Mặt ngoài thành có trang trí “lưỡng long chầu nhật”.

Trong quy hoạch tổng thể di tích Kiếp Bạc đến năm 2020, giếng nằm trong dự án tu bổ. Năm 2005, công việc tu bổ được tiến hành. Từ lòng giếng đào rộng ra 50cm, lớp ngoài có kè gạch chỉ để gia cố, mặt trong kè đá cuội nhằm tạo vẻ cổ kính nhưng vững chắc.

Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng nhiều du khách thả tiền lẻ xuống giếng. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Ngày nay, giếng Mắt Rồng vẫn luôn cho nguồn nước dồi dào, tinh khiết. Nước giếng chủ yếu được dùng trong các nghi lễ của đền Kiếp Bạc. Khách thập phương về với khu di tích này thường tìm đến nơi đây, soi mình xuống giếng cầu mong điều tốt lành, sự mát mẻ.

Đứng trước di tích, thành tâm tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần, cầu mong những điều tốt đẹp là nét đẹp văn hóa, đạo lý của người Việt.

Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng nhiều du khách thả tiền lẻ xuống giếng, thậm chí không ít người không dành thời gian tìm hiểu những kiến thức lịch sử xung quanh di tích này mà chỉ thả tiền lẻ theo số đông.

Hành động đặt tiền lẻ tại nơi thờ tự trong đền, chùa là điều đã bị cấm lâu nay, nhưng không ít người vẫn cố tình làm trái./.

>>> Hàng xà cừ trăm tuổi trên đường Kim Mã trước ngày bị di dời

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục