Giới ngân hàng đầu tư toàn cầu: Đầu tư vào châu Á để hướng tới tương lai

13:16' - 16/11/2016
BNEWS Thị trường châu Á hiện dường như đang quá tải với sự hiện diện của quá nhiều ngân hàng đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới với đủ mọi quy mô, từ lớn tới nhỏ.
Nhiều ngân hàng trên thế giới đầu tư vào châu Á. Ảnh: Economic Calendar

Châu Á là một thị trường đầy thách thức đối với các ngân hàng đầu tư quốc tế, bởi sự cạnh tranh ở đây quá lớn, trong khi tăng trưởng có chiều hướng chậm lại, phí thu từ các dịch vụ ngân hàng thấp, còn chi phí và rủi ro lại gia tăng. Vậy lý do nào khiến các ngân hàng đầu tư toàn cầu không rút lui mà tiếp tục trụ lại và thậm chí mở rộng?

Cạnh tranh cao

Thị trường châu Á hiện dường như đang quá tải với sự hiện diện của quá nhiều ngân hàng đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới với đủ mọi quy mô, từ lớn tới nhỏ. Không đâu như ở đây, trung bình có tới trên 26 ngân hàng đăng ký tham gia một thương vụ bảo lãnh phát hành cổ phiếu. Cạnh tranh khốc liệt khiến các ngân hàng phải giảm giá các dịch vụ của mình.

Theo thống kê của công ty Dealogic, mức phí ngân hàng ở châu Á hiện chỉ tương đương 40-55% so với thị trường Mỹ và châu Âu. Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại châu Á còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như chi phí hoạt động cao, sự khác biệt về ngôn ngữ và những rủi ro về pháp lý.

Trong bối cảnh đó, việc gần đây nhiều ngân hàng lớn thu hẹp hoạt động tại thị trường này là điều dễ hiểu. Theo hãng tư vấn McLagan, tám ngân hàng nước ngoài hàng đầu trong khu vực đã cắt giảm 10-15% số nhân viên tại các phòng giao dịch trong giai đoạn 2012-2015.

Goldman Sachs (Mỹ) năm vừa qua đã sa thải 15% nhân viên trong mảng đầu tư, trong khi ngân hàng Royal Bank of Scotland (Anh) cũng công bố kế hoạch bán mảng tín dụng doanh nghiệp, còn ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức) và Barclays (Anh) đang xem xét việc thu hẹp bộ phận đầu tư và nghiên cứu ở thị trường châu Á.

Kiếm tiền không phải ở châu Á mà từ châu Á

Phải chăng các ngân hàng toàn cầu sẽ tháo chạy khỏi châu Á? Câu trả lời là không. Các ngân hàng này thực tế đang tái cơ cấu hoạt động phục vụ cho những mục tiêu dài hạn. Theo ông Reid Marsh, Giám đốc khu vực châu Á của ngân hàng Barclays, nếu không hiện diện ở châu Á, bạn không thể là một ngân hàng đầu tư quốc tế thực thụ.

Những lợi ích kinh tế được phản ánh qua các con số. Hơn nữa, có những thị trường ở châu Á rất có tiềm năng, ví dụ như dịch vụ tư vấn cho khách hàng quốc tế đầu tư vào Trung Quốc và ngược lại.

Lấy ví dụ như thương vụ ChemChina mua công ty Syngenta của Thụy Sĩ với giá 44 tỷ USD, còn công ty Anbang của Trung Quốc mua lại rất nhiều công ty nước ngoài.

Thị trường châu Á là mảnh đất đầu tư màu mỡ. Ảnh: gensler.com

Do đó, mặc dù về tổng thể, các ngân hàng rõ ràng đang cắt giảm nhân lực, song Barclays, Credit Suisse và UBS vẫn đang tích cực mở rộng hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài sản. Các ngân hàng này tiếp tục tuyển thêm nhân viên cho các mảng kinh doanh tiềm năng.

Trong khi đó, Standard Chartered và Goldman Sachs lại gấp rút tập trung vào lĩnh vực dịch vụ ngân hàng phục vụ khách hàng doanh nghiệp.

Mỗi ngân hàng đều có cách tiếp cận riêng với thị trường châu Á. Goldman Sachs hướng tới một cấu trúc đơn giản và linh hoạt, trong khi JPMorgan đặt trọng tâm vào khả năng thâm nhập sâu vào thị trường phục vụ doanh nghiệp.

Citibank (Mỹ) tập trung vào khả năng kết nối khách hàng châu Á với các đối tác toàn cầu của mình. Morgan Stanley (Mỹ) lại hướng đến các gói sản phẩm dịch vụ có tỷ lệ lợi nhuận cao. Ngược lại, UBS và Credit Suisse (đều của Thụy Sĩ) tập trung thâm nhập thị trường dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Cạnh tranh cao nhưng bù lại thị trường châu Á rất hấp dẫn. Theo thống kê của công ty Capital IQ, trong 10 năm trở lại đây, doanh thu của 12 ngân hàng châu Âu và Mỹ đã tăng khoảng 15% lên 81 tỷ USD.

Trong quý vừa qua, tổng doanh thu từ phí dịch vụ của các ngân hàng tăng 13%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 2/3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 2016 và năm 2017.

Như ông Mark Slaughter, Giám đốc khối doanh nghiệp và đầu tư khu vực của Citibank tại châu Á - Thái Bình Dương, đã nhận định: “Hướng tới tương lai chính là lý do chúng tôi đầu tư vào châu Á.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này vẫn cao hơn các thị trường khác trên thế giới. Nếu bạn đang tìm kiếm tăng trưởng, chắc chắn bạn phải đầu tư vào châu Á trong dài hạn".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục