Giữ hành lang không gian mở giúp giảm bớt úng ngập

19:26' - 19/10/2016
BNEWS Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam Ngô Quang Hùng cho rằng giữ hành lang không gian mở sẽ giúp khu vực này giảm bớt úng ngập trước biến đổi khí hậu.

Các đợt mưa lớn gần đây đã khiến TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận chịu cảnh ngập lụt.

Ông Ngô Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam khẳng định giữ hành lang không gian mở giúp giảm bớt úng ngập. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức tại Hà Nội ngày 19/10, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam Ngô Quang Hùng cho rằng giữ hành lang không gian mở sẽ giúp khu vực này giảm bớt úng ngập trước biến đổi khí hậu.
Theo ông Ngô Quang Hùng, xét về tổng thể cần xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho cả vùng. Nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu và ngập lụt trên cả không gian rộng lớn chứ không thể nhìn riêng ra từng tỉnh và muốn khắc phục tình trạng này cần đồng bộ nhiều giải pháp.
Một trong những đề xuất đó là quy hoạch định hướng về không gian và hạ tầng kỹ thuật để cân bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình phát triển vùng hợp lý theo hướng tập trung đa cực.

Đầu tiên phải có ý tưởng về mô hình tập trung đa cực, đề xuất vùng trung tâm là một chính thể thống nhất; đồng thời, phát triển cân bằng trên toàn vùng bằng cách hạn chế mật độ xây dựng vùng trung tâm; xác lập những vùng phát triển ngoại vi với mật độ xây dựng vừa phải, tránh kiểu xây dựng tràn lan.

Với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển phía Bắc và phía Đông, hạn chế phát triển khu vực Nam và Tây Nam bởi đây là những vùng đất thấp, trũng, ông Hùng phân tích.
Đặc biệt, quy hoạch không gian mở dọc các tuyến sông trọng yếu của khu vực như sông Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ. Đây chính là những không gian chứa nước quan trọng.

Bởi vậy cần phải giữ được cảnh quan và tuyệt đối xây dựng vào hành lang này cũng như lấn chiếm vào các bờ sông.

ng Hùng cho rằng việc đô thị hóa bám dọc và sát sông như tại sông Sài Gòn và Biên Hòa (Đồng Nai) hiện nay thì sẽ rất khó cải tạo. Nếu thực hiện được hành lang không gian mở này thì mới có cơ hội giảm bớt úng ngập.
Mặt khác, ứng phó với biến đổi khí hậu cần “giải pháp mềm” chứ “giải pháp cứng” là không thích hợp với xu thế của thế giới và thiếu nguồn lực để thực hiện. Mặc dù có nhiều biện pháp nhưng “giải pháp mềm” vẫn là phù hợp nhất với điệu kiện của Việt Nam hiện nay – ông Hùng nhận xét. Điều này đồng nghĩa với việc trả lại không gian tự nhiên, dừng quy hoạch tràn lan.
Chiến lược phát triển đô thị bền vững cũng rất quan trọng. Bấy lâu nay nhiều đô thị phát triển tự do, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập lụt.

Có những nguyên nhân do chịu tác động từ thiên nhiên như mưa quá lớn, triều cường, nước biển dâng… nhưng cùng đó là do hệ thống thoát nước không đồng bộ, lạc hậu, đô thị hóa sai dẫn đến không bền vững.
Nhiều chỗ chỉ sau 1 đêm đã thành quận, huyện nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng kịp – ông Hùng dẫn chứng.

Thậm chí, hạ tầng kỹ thuật, xã hội phi chính quy, người dân tự chuyển đổi thành đô thị…; mật độ xây dựng quá cao, nhất là vùng trung tâm; thiếu chiến lược căn bản… Nếu giải quyết được các nguyên nhân này thì sẽ giảm bớt ngập lụt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục