Giữa chứng khoán và tiền tệ, Trung Quốc chỉ có thể chọn một

09:53' - 26/08/2015
BNEWS Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa vực dậy thị trường chứng khoán và bảo vệ đồng nhân dân tệ (NDT) trước áp lực tiếp tục giảm giá, chứ không thể cùng một lúc thực thi cả hai nhiệm vụ.

Đây là nhận định của hãng nghiên cứu BMI thuộc Fitch Group (New York, Mỹ) về triển vọng chính sách kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Cả thị trường chứng khoán trong nước và đồng NDT hiện đang trong tình trạng bị định giá quá cao và và bức màn che đậy sự hậu thuẫn của chính phủ cho cả hai thị trường đã và đang bị chọc thủng, mở đường cho các lực lượng thị trường tự do hơn.

BMI cho rằng giá cổ phiếu tại Trung Quốc sẽ giảm thấp hơn nữa và đồng NDT sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới. Dù áp lực xuống giá đối với đồng NDT đã dịu bớt trong những ngày qua, nhưng chỉ là tạm thời. Khi Bắc Kinh tự do hóa đồng NDT trong những tháng sắp tới, cho phép nó được thả nổi tự do hơn, thì dòng tiền chảy ra ngoài nhiều khả năng sẽ áp đảo dòng vốn chảy vào.

Cũng cần phải lưu ý rằng bảng cân đối kế toán của lĩnh vực tư nhân Trung Quốc còn xa mới có thể trở thành thành trì sức mạnh như nhiều người giả định, và thực tế đang bị thâm hụt, khiến đồng NDT có thể lâm nguy trước làn sóng thoái vốn và tài sản nước ngoài.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất là từ người dân Trung Quốc với tâm lý tích đôla Mỹ (USD) vì lo ngại đồng nội tệ tiếp tục suy yếu do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thặng dư tài khoản vãng lai, vốn mang lại sự hỗ trợ cho đồng NDT, là tương đối nhỏ so với trước đây, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xấu đi do hệ quả từ tỷ giá hối đoái thực của đồng NDT.

Đối mặt với áp lực giảm giá một cách tự nhiên đối với đồng NDT, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) nhiều khả năng sẽ tiếp tục dùng đến nguồn dự trữ để ngăn chặn sự suy yếu quá mạnh của đồng NDT. Theo đó sẽ giảm tính thanh khoản của đồng NDT trong hệ thống tài chính nội địa. Thực tế, PBoC sẽ phải giảm mạnh mức tăng của nguồn cung tiền nhằm tăng giá trị của đồng NDT, và điều này sẽ tạo ra áp lực lớn đối với giá trị tài sản nội địa.

Với thực trạng kinh tế phải đối mặt với một loạt các thách thức bao gồm định giá bong bóng, lợi tức sụt giảm và sự đảo ngược của tâm lý lạc quan, BMI cho rằng yếu tố duy nhất có thể thúc đẩy chứng khoán Trung Quốc là việc tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh và/hoặc chính phủ trực tiếp dùng tiền mua lại. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này được thực thi thì đồng NDT sẽ trở thành một nạn nhân bởi người dân sẽ mất niềm tin vào đồng tiền này.

Về tổng thể, PBoC gần như chắc chắn sẽ buộc phải chấp nhận sự cân bằng giữa giá trái phiếu thấp đi và đồng NDT yếu hơn ở mức vừa phải, và sử dụng các công cụ sẵn có nhằm ngăn chặn một sự sụt giảm mạnh trên cả hai thị trường tiền tệ và chứng khoán. Đây có lẽ là sự thỏa hiệp tốt nhất có thể trong điều kiện thực tế của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London lại cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi cuộc "vạn lý trường chinh" về chính sách tiền tệ nhằm biến đồng NDT thành công cụ dự trữ được các nước sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, quyết định phá giá đồng NDT ở mức 4,6% không chỉ tạo ra những tác động đối với nền kinh tế, mà còn giúp Bắc Kinh sớm đạt tới mục tiêu chiến lược dài hạn.

Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn thể hiện rất rõ quyết tâm đưa NDT trở thành một trong những đồng tiền có sức mạnh hàng đầu thế giới. Họ đã trải qua chặng đường khá dài để có thể thiết lập cơ chế tỷ giá, nâng cao tính minh bạch và niềm tin cho đồng NDT.

Cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc tiến trình này bằng cách sử dụng rộng rãi đồng NDT trong đầu tư và thương mại. Bắc Kinh đã mở ra nhiều kênh để giới đầu tư quốc tế đổ tiền vào trái phiếu và cổ phiếu của họ, đồng thời thúc đẩy kế hoạch tự do hóa thị trường tài chính.

Đây là những bước đi rất đáng kể nhằm từng bước giảm thiểu vai trò kiểm soát và chi phối của nhà nước đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đề cập, tất cả vẫn phụ thuộc vào quá trình vận hành cơ chế tỷ giá mới. Việc đồng NDT trở thành công cụ dự trữ trên phạm vi toàn cầu sẽ mang tới nhiều lợi thế về địa chính trị và tài chính cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, Bắc Kinh hiểu rằng đây là một chặng đường việt dã, chứ không phải nước rút.

Lê Dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục