Giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi trao đổi hàng hóa Việt Nam – Nhật Bản

08:17' - 17/11/2015
BNEWS Cần phải có các chương trình ưu đãi về lãi suất hay tỷ giá, chính sách hay cơ chế cấp tín dụng dành cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lưu thông trao đổi hàng hóa Việt Nam – Nhật Bản.

Theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2009, giai đoạn 2015-2019, có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về mức 0% khi nhập khẩu vào Việt Nam, nâng tổng số lên 3.234 dòng hàng được xóa bỏ thuế kể từ khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực, tương đương với trên 34% toàn biểu thuế nhập khẩu.

Tới năm 2019, có khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên. Cụ thể, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại và Việt Nam cam kết tự do hóa với 87,66% kim ngạch thương mại.

Đây sẽ là thách thức gay gắt đối với hàng hóa nội và các doanh nghiệp sản xuất nội địa, khi phải cạnh tranh với những dòng sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản, vốn nổi tiếng về chất lượng cao, lại có mức giá thấp hơn do được giảm thuế nhập khẩu.

Trước nguy cơ “xâm lấn” thị trường hàng hóa nội của hơn 3.200 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế 0%, các chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại về sự yếu thế của các doanh nghiệp Việt Nam, vốn năng lực cạnh tranh, phương thức sản xuất và trình độ quản lý… còn hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tăng cường đầu tư, xây dựng nhà xưởng hay trang bị, nâng cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị… không thể thiếu nguồn vốn và chính sách ưu đãi tín dụng từ phía các ngân hàng, cũng như sự phối hợp, chung tay từ phía các bộ, ngành có liên quan, các đơn vị chức năng và sự nỗ lực đổi mới từ chính bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu hội nhập.

Ở góc độ ngành tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cho biết, cần phải có các chương trình ưu đãi về lãi suất hay tỷ giá, chính sách hay cơ chế cấp tín dụng dành cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lưu thông trao đổi hàng hóa Việt Nam – Nhật Bản để thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cần phải có các chương trình ưu đãi về lãi suất hay tỷ giá, chính sách hay cơ chế cấp tín dụng dành cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lưu thông trao đổi hàng hóa Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Riêng với Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, ông Du cho biết thêm, để luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ với vai trò trung gian của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU) của Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… tạo điều kiện tài chính giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Ngân hàng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam còn triển khai các chương trình tín dụng của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng dành một quỹ tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1% đến 4% so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với các doanh nghiệp hỗ trợ cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam còn có những sản phẩm chuyên biệt theo từng ngành, nghề và mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản như: gói sản phẩm tài trợ chuỗi thủy sản, nông nghiệp; gói sản xuất dành cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất ô tô; gói sản phẩm dành cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày; gói sản phẩm dành cho các doanh nghiệp phụ trợ….

Ngoài sản phẩm tín dụng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam còn triển khai bảo lãnh thuế điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu chưa đủ nguồn tài chính tại thời điểm thông quan có thể nhanh chóng được nhận hàng và tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam còn cung cấp các dịch vụ tài trợ thương mại như chuyển tiền, nhờ thu/chi, mở L/C…

Ông Nguyễn Trí Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và khai thác tốt hiệu quả từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, cần sự tham gia của đội ngũ các nhà tư vấn, sự hỗ trợ của các quỹ phát triển, các ngân hàng thương mại… để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hướng tham gia sâu vào chuỗi thị trường toàn cầu như hiện nay.

Thông tin về thị trường, sản phẩm cũng rất quan trọng với doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Vấn đề thông tin thị trường, thông tin sản phẩm và các mặt hàng có nhu cầu xuất nhập khẩu, cũng như nhu cầu liên kết đối tác đang là mối quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần tăng cường cập nhật thông tin về biến động của thị trường, thông tin giá cả, dự báo về chính sách thương mại của Việt Nam và Nhật Bản để cộng đồng doanh nghiệp hai nước nắm bắt, hiểu rõ, vận dụng đúng cam kết, từ đó mới đạt hiệu quả cao trong thực thi hiệp định.

Việc hỗ trợ tài chính, tư vấn và định hướng đúng mục tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước chính là những giải pháp thiết thực và hữu dụng giúp đem lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục