Gỡ bỏ nhiều rào cản đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

18:57' - 14/06/2017
BNEWS Đến hẹn lại lên, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF2017) sắp diễn ra trong 2 ngày tới tại Hà Nội. Đây là sự kiện được mong đợi nhất trong năm của cộng đồng doanh nghiệp.

Nơi mà ở đó, tiếng nói của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tập trung “lắng nghe” và chia sẻ.

Ý kiến của hiệp hội các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu…được các nhà hoạch định chính sách xem xét, đánh giá và cân nhắc chọn lựa, loại bỏ hay điều chỉnh sao cho phù hợp.

Với chủ đề “Cùng nhau tiến về phía trước - Khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu”, VBF2017 dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm lớn của báo giới, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Sắp diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Giai đoạn 2016-2020 được xác định tập trung vào các vấn đề liên quan tới phát triển doanh nghiệp, với mục tiêu đề ra là đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Trong những năm qua, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được nâng tầm; được quan tâm và chú trọng nhiều hơn thậm chí được đánh giá ngang bằng so với khu vực kinh tế Nhà nước.

Theo đánh giá của Phó GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được xác định rõ cả về lượng và chất.

Từ chỗ, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, đến nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân đúng nghĩa; trong đó, một số ít doanh nghiệp đã trở thành các tập đoàn kinh tế lớn.

Từ chỗ chủ yếu hoạt động trong khu vực phi chính thức, đến nay, một bộ phận kinh tế tư nhân đã chuyển đổi sang hoạt động trong khu vực chính thức của nền kinh tế và tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay, phạm vi hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân cũng đã rộng khắp, ở mọi ngành mà pháp luật không cấm; trong đó, có những ngành công nghệ cao, năng suất cao cho dù chưa nhiều. Khu vực kinh tế tư nhân đang góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cơ bản của đất nước.

Song, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản, khiến cho khu vực này chưa phát huy được hết tiềm năng và vai trò to lớn là “động lực quan trọng của nền kinh tế” như Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tới thời điểm này, hệ thống thể chế và pháp luật của Việt Nam còn chưa hoàn thiện và đầy đủ theo yêu cầu của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mỗi năm, số lượng văn bản pháp luật tăng nhanh.

Việc lấy ý kiến công chúng tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự thay đổi về chất. Cơ quan đầu mối hay đơn vị kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật còn thiếu và yếu về năng lực. Một số cơ quan, sở ngành vẫn ban hành các quy định hành chính để xử lý phát sinh, mà chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường.

Tiến sĩ Võ Thị Vân Khánh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) nêu rõ, chi phí không chính thức và những áp lực quyền lực của hệ thống công quyền cũng là gánh nặng “đè nén” sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, hải quan; áp dụng hệ thống thông tin điện tử, văn phòng 1 cửa của các đơn vị hành chính đã được triển khai song chưa đồng bộ....

Đó là chưa kể những định kiến và phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Vì sao, trong nhiều năm qua, dư luận luôn đặt vấn đề cần sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân với khu vực kinh tế Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận sự hỗ trợ và các chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, hạ tầng đất đai, phát triển thị trường, tiếp cận thông tin chính sách…

Ông Sơn phân tích, ngoài ưu thế được cấp vốn từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp nhận các nguồn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ở các lĩnh vực độc quyền như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công ích thiết yếu, cơ chế định giá của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa theo cơ chế thị trường nên tính minh bạch về giá còn thấp, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Đó là chưa kể những ưu đãi về thuế quan, về đất đai, tiếp cận vốn... Trong khi, chưa có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào được hưởng các mức miễn giảm vượt những ưu đãi này.

Về mặt chủ quan phải thừa nhận, khu vực kinh tế tư nhân khó phát triển phần nhiều là do năng lực nội tại còn thấp, văn hóa kinh doanh còn nhiều bất cập.

Ông Ngô Thanh Hải, Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Action Coach cho rằng, do quy mô của các doanh nghiệp tư nhân thường là vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên hoạt động thường rất hạn chế.

Đa phần doanh nghiệp tư nhân chưa có sự đầu tư xứng đáng cho việc đào tạo và tái đào tạo nên chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực kinh tế này thường không đồng đều, thấp và thiếu tầm nhìn.

Điều đó dẫn tới tính chủ động của các doanh nghiệp tư nhân không cao, nếu không muốn nói là thường bị động, ì chệ, dễ bị tổn thương và thường tụt hậu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn bổ sung thêm, nhiều doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực tài chính, trình độ kỹ thuật công nghệ và năng lực cạnh tranh thấp kém.

Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, thiếu sự am hiểu và ý thức chấp hành pháp luật, cộng thêm năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý còn thấp. Một số doanh nhân ứng xử còn thiếu văn hóa kinh doanh và thiếu trách nhiệm với xã hội...

Vậy để gỡ bỏ những rào cản hạn chế sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân như thế nào. Câu trả lời sẽ được các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cá thể thành viên đề xuất và kiến nghị tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017, được tổ chức ngày 16/6, tại Hà Nội./.

Xem thêm:

>>Sắp diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017

>>Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Israel

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục