Gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản

16:24' - 05/08/2015
BNEWS Theo điều tra của Tổng cục Thuỷ sản, doanh nghiệp luôn chế biến sản phẩm có độ ẩm từ 83-89%, mạ băng từ 10-30%. Doanh nghiệp chỉ đúng khi nhà nhập khẩu có nhập khẩu sản phẩm nhưng thị trường không phải là thị trường của nhà nhập khẩu mà thị trường phải là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, Nghị định 36 đã quy định thay đổi hình ảnh về chất lượng sản phẩm cá tra trên thị trường.
Trong buổi họp báo về kết quả công tác tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 5/8 tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, định hướng sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra sẽ không thay đổi các chỉ tiêu hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm) nhưng sẽ tạo lộ trình để doanh nghiệp thực hiện.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Về việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản cho rằng, Nghị định 36/2014/NĐ-CP gây cản trở, khó khăn trong xuất khẩu, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, Nghị định 36 không cản trở doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng, nhưng thực tế thời hạn áp dụng được Chính phủ lùi đến hết năm nay. 

Từ nay đến cuối năm nhu cầu tôm sẽ tăng và Tổng cục Thuỷ sản chú trọng thúc đẩy mặt hàng tôm sú, cụ thể phát triển tôm sú nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Khi sức mua thị trường yếu, tỷ giá bất lợi kéo giá bán xuống thấp, tôm sú nuôi theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến có giá thành sản xuất thấp, khả năng cạnh tranh cao hơn và mô hình cũng ít rủi ro dịch bệnh.

Đặc biệt, mặt hàng tôm sú có sự cạnh tranh về phân khúc thị trường thấp hơn tôm thẻ vì lượng sản xuất tôm sú không còn nhiều. Về lâu dài, Tổng cục Thuỷ sản sẽ đẩy mạnh mô hình nuôi tôm – lúa, tôm – rừng và Việt Nam rất có tiềm năng này. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh áp dụng các công nghệ đã có, thay đổi thói quen sản xuất của người dân nên rất cần chương trình khuyến ngư làm thay đổi diện mạo của mặt hàng tôm.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 7 mặc dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại như nuôi tôm tiếp tục suy giảm về sản lượng; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vẫn gặp khó khăn như cà phê, cao su, gạo và sắn. Trong khi đó, tình hình hạn hán ở miền Trung, lũ ở các tỉnh phía Bắc và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trong tháng 7, mặt hàng cà phê, cao su, gạo và điều có giá trị xuất khẩu cao hơn so với tháng 6. Tuy nhiên, mặt hàng rau quả và sắn lại giảm mạnh với 2 con số và lần lượt là 57% và 45%. Do đó, nhìn chung các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn với giá trị đạt 2,47 tỷ USD, giảm 273 triệu USD so với tháng 6/2015 và giảm 223 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp, phối hợp với hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường nông lâm thủy sản để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng thủy sản, gạo, cà phê, trái cây, cao su./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục