Gỡ khó trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

18:26' - 04/10/2017
BNEWS Tại huyện Lương Sơn giáp ranh Thủ đô Hà Nội, đơn giá bồi thường hỗ trợ của UNND thành phố Hà Nội cao gấp 4- 5 lần so với Hòa Bình là nguyên nhân gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Gỡ khó trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: Minh Đức - TTXVN

Ngày 4/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình họp trực tuyến với các huyện, thành phố và sở, ngành trong tỉnh để giải quyết việc khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017.

Theo đó, giai đoạn 2014-2017 tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho 289 dự án với tổng diện tích 549,4 ha; số hộ bị thu hồi đất là 12.099 hộ; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã chi trả 818,66 tỷ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ được thực hiện đúng quy định của pháp luật, cơ bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Song quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ như: Dự án tuyến đường tỉnh lộ 433, đường điện 220 Tây Hà Nội- Hòa Bình.

Việc xây dựng các khu tái định cư cho người bị thu hồi đất tại một số dự án còn chậm như: Dự án đường cao tốc Hòa Lạc- Hòa Bình đoạn qua huyện Kỳ Sơn, dự án đường 433 đoạn qua thành phố Hòa Bình…

Một số khu vực tái định cư được xây dựng tại Lương Sơn, Yên Thủy nhưng dân không vào ở, gây lãng phí ngân sách.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đinh Văn Hòa cho biết, ở địa bàn huyện Lương Sơn giáp ranh Thủ đô Hà Nội, đơn giá bồi thường hỗ trợ của UNND thành phố Hà Nội cao gấp 4- 5 lần so với Hòa Bình là nguyên nhân gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cũng trong giai đoạn 2014-2017, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiếp nhận và xử lý kịp thời 1.444 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng.

Hiện, chỉ còn một số vụ việc các hộ dân tiếp tục khiếu nại đến cơ quan cấp trên như một số hộ dân xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình (thu hồi đất xây dựng đường Láng- Hòa Lạc); vụ việc tại dự án xây dựng trụ sở Công an tỉnh, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình; 5 hộ dân xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy khiếu nại thu hồi đất 5% làm khu đấu giá, giãn dân.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những bất cập, vướng mắc và nguyên nhân chủ quan như đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định định cư có số lượng ít, thiếu một số chuyên ngành phù hợp; công tác xây dựng đơn giá bồi thường về tài sản chưa điều chỉnh kịp thời theo biến động trên thị trường.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lê Trọng Long cho rằng, tại một số xã trong tỉnh có tình trạng buông lỏng quản lý quỹ đất công ích, để dân xây dựng nhà ở và các công trình khác trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền cơ sở không giải quyết triệt để, gây khiếu kiện khi giải phóng mặt bằng. Mặt khác nhiều chủ đầu tư không có thực lực, nên một số dự án được tỉnh phê duyệt phương án đền bù nhưng không có tiền chi trả cho dân kịp thời.

Để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế những khiếu kiện về đất đai, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện ban hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế, tránh phải hỗ trợ khác nhiều lần cho từng dự án; chỉ đạo các huyện thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chuyên trách, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, những đối tượng xúi giục, kích động nhân dân làm trái chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước./.

>>> Hải Dương giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cải tạo Quốc lộ 38

>>> Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng tại 19 di tích

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục