Góc khuất từ những "cửa hàng ảo"

06:36' - 06/02/2016
BNEWS Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang khai thác thương mại điện tử không ít nhưng “con sâu là rầu nồi canh” khiến cho hiệu quả khai thác không cao.
Thú vui bán hàng qua mạng Internet. Ảnh: economist.com

Thú vui bán hàng qua mạng đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong giới văn phòng và tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ dù chỉ là người bán hộ. Cái cảm giác vui vẻ phấn chấn khi bán được hàng còn thích hơn đợi lương hàng tháng.

Điện thoại reo liên tục, chị em í ới đặt hàng đã làm cho bài giới thiệu của tôi trên facebook tự nhiên rôm rả đến lạ. Sức ì bấy lâu bỗng dưng cũng biến mất để nhường chỗ cho việc ship hàng. Nhưng, bên cạnh những niềm vui ấy, theo tôi, bán hàng qua mạng vẫn tiềm ẩn nhiều góc khuất.

Từ việc nở rộ…

Không cầu kì, không tốn kém và chỉ cần bỏ ra vài phút là đã có thể sở hữu ngay một trang riêng chuyên buôn bán sản phẩm của riêng mình trên Internet.

Bán hàng qua mạng đã nở rộ thành trào lưu trong cộng đồng mạng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ văn phòng và trở thành một công việc bán thời gian hấp dẫn.

Lướt một vòng trên facebook, không khó để kiếm được một món hàng ưng ý qua những trang kinh doanh online. Rất nhiều sản phẩm được bày bán từ ô tô, xe máy, quần áo, giày dép, bỉm sữa, thực phẩm chức năng, dụng cụ làm đẹp đến đồ handmade, sách vở, trang sức, phụ kiện và ngay cả dưa cà, mắm muối không thiếu thứ gì.

Những "cửa hàng ảo" này được đầu tư khá kỹ càng trong việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bằng những hình ảnh bắt mắt cộng với những dòng chào mời đầy hấp dẫn.

Khách hàng được thỏa thích lựa chọn các mặt hàng dựa trên những hình ảnh, thông tin cụ thể dưới từng sản phẩm cũng như dễ dàng sở hữu món hàng đó chỉ qua một cái click chuột hay trên tay đang cầm một cái smartphone.

Phong trào kinh doanh online này đang "làm mưa làm gió" trong giới trẻ văn phòng bởi khả năng tận dụng được số lượng bạn bè và người theo dõi đông đảo trên facebook để giới thiệu sản phẩm.

Việc kinh doanh lại không mất khoản thuê mặt bằng - thích hợp với những người tập tành kinh doanh mà có ít vốn... đã thu hút các bạn trẻ có ham mê kinh doanh.

Điều đáng nói là không ít người đã thành công khi dám thử sức mình với loại hình kinh doanh qua mạng này. Không chỉ có thêm một khoản tiền chi tiêu, có thêm niềm vui trong công việc mà họ còn rèn luyện được nhiều kĩ năng và có thêm nhiều mối quan hệ.

Chả nói đâu xa tại một văn phòng cơ quan, bên cạnh những công việc thuần túy không những chị em mà ngay cả nhiều anh em cũng đang vui vẻ với nghề tay ngang này.

Hàng hóa thì vô cùng đa dạng phong phú, từ hàng hóa xách tay, oder giá rẻ từ các trang web của các hãng, người thân từ Australia, Mỹ, Nhật… đi nhặt hàng sale gửi về cho bà con trong nước bán đến sản xuất pate, bánh bao hay cam quýt, mít dừa đủ cả.

Nở rộ hình thức mua bán hàng qua mạng internet. Ảnh: TTXVN

…đến những góc khuất

Mệt mỏi với chuỗi ngày đi sớm về tối vì phải quyết toán cuối năm, tranh thủ giờ trưa, chị Ngọc Hoa nhân viên ngân hàng Vietcombank tranh thủ lướt mạng đặt hàng cho cả nhà diện Tết. Sau vài giờ nhặt hàng vào giỏ và click chuột thanh toán thì điện thoại đã reo mời xuống cổng nhận hàng.

Nhận hàng qua chuyển phát nhanh mà mặt chị Hoa trở nên biến sắc vì phát hiện lô hàng mình không giống như hình ảnh trên mạng và có một số lỗi đường may nên liên lạc để đổi hàng.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực liên lạc sau đó của chị Hoa đều bất thành khi người bán không bắt máy, thậm chí chặn cả tài khoản của chị trên facebook.

Không chỉ riêng với chị Hoa mà không ít người tiêu dùng sau khi thanh toán cho giao dịch, hoặc không nhận được hàng, hoặc nhận hàng kém chất lượng mà không thể đổi trả hay được hoàn tiền.

Đây không phải là số tiền lớn nhưng qua sự việc này những nhà kinh doanh đã khiến người tiêu dùng không còn tin tưởng vào kiểu kinh doanh qua mạng nữa.

Lướt qua trên một số diễn đàn phổ biến như muare.com, lamchame.com, nhan nhản những topic tố cáo lừa đảo mua bán hàng hóa qua mạng, đang khiến nhiều người dùng trở nên dè dặt hơn trong giao dịch thương mại điện tử.

Cũng chính bởi chỉ cần ngồi một chỗ giao dịch nên khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng không thể “mục sở thị” sản phẩm, mà chỉ có thể nhìn qua ảnh chụp, đọc mô tả.

Vì vậy, họ không thể xác thực được những thông tin về sản phẩm cũng như không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi nếu tiến hành giao dịch.

Có lẽ vì vậy mà ngay cả sếp tôi, một thành viên kỳ cựu thường xuyên vào facebook và các trang mạng cũng phải thốt lên trên tường của mình để khuyến cáo chị em không nên đặt hàng qua mạng online bởi hàng mình đặt về khác xa một trời một vực so với khi nhìn trên ảnh.

Gọi điện  hỏi lại thì chỉ được câu trả lời: "Chắc chúng nó chuyển nhầm rồi chị". Biết là bị lừa nhưng thật tức là đã không sử dụng được mà cho cũng chả ai muốn lấy. Khổ nỗi, nhiều trường hợp chuyển tiền xong thì hàng chả thấy đâu và chủ shop cũng lặn mất tăm.

Ở chiều ngược lại, không ít các chủ shop “online” cũng nhiều phen méo mặt khi số điện thoại dùng để đặt hàng khách gọi thì ít mà nháy máy làm phiền thì nhiều hay có những trường hợp người mua hẹn giao hàng nhưng khi đến nơi thì không liên lạc được khiến người bán hàng nhiều lần khóc dở mếu dở đành phải mang hàng về.

"Gần đây mỗi khi khách đặt hàng, tôi đều phải yêu cầu đặt cọc 100%." - chị Hải Yến, chủ shop quần áo tại trang muare.com chia sẻ.

Để giải tỏa cho những điểm đen này, mới đây, Zalora, một thương hiệu thương mại điện tử về thời trang vừa khai trương showroom đầu tiên tại tầng 2, toà nhà Bitexco (Tp. Hồ Chí Minh), để khách hàng có thể xem hàng trực tiếp sau đó đặt mua online.

Đây là hình thức bán hàng mới tại Việt Nam. Theo đó, sau khi xem trực tiếp sản phẩm, ướm thử…, khách hàng sử dụng hệ thống đặt hàng trực tuyến được bố trí sẵn tại showroom, hoặc trên các thiết bị di động cá nhân. Các bước tiếp theo như thanh toán, nhận hàng, đổi - trả hàng được thực hiện theo hình thức mua hàng trực tuyến.

Thừa nhận những khiếm khuyết vẫn còn tồn tại, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho rằng, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khai thác thương mại điện tử không ít nhưng “con sâu là rầu nồi canh” khiến cho hiệu quả khai thác không cao.

Bên cạnh những chính sách và chế tài đang được các cơ quan chức năng soạn thảo cho phù hợp với thực tế song vẫn chỉ là "ném đá ao bèo" nếu ý thức của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp không cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục