Grab bị đưa vào “tầm ngắm”

09:13' - 02/05/2018
BNEWS Người đứng đầu UB cạnh tranh Philippines Stela Luz Quimbo cho rằng, việc Uber chấm dứt dịch vụ là một sự “vi phạm rõ ràng” khi cơ quan này yêu cầu Uber và đối thủ lâu đời Grab phải hoạt động riêng rẽ
Không chỉ Uber, Grab, sắp tới có thể nhiều hãng khác cũng áp dụng công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Thương vụ sáp nhập đình đám giữa hai hãng Grab và Uber hiện đang nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan chức năng tại Malaysia khi các cơ quan này lo ngại rằng, vụ sáp nhập có thể dẫn đến tình trạng độc quyền trong hoạt động của Grab, vi phạm luật cạnh tranh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia thông báo sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Việc giám sát là cần thiết nhằm tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, Chính phủ nước này sẽ căn cứ theo Đạo luật Cạnh tranh năm 2010 để ngăn chặn các thương vụ tạo ra thế độc quyền nhằm thao túng giá hàng hóa, dịch vụ. Đại diện Grab đã hứa sẽ không tăng giá ít ra là tại Malaysia, nếu không công ty này sẽ bị Chính phủ kiện và xử lý thích đáng.

Ngay sau khi thỏa thuận sáp nhập trên được công bố hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Nancy Shukri đã thông báo, Ủy ban Giao thông Công cộng trên bộ Malaysia (SPAD) sẽ sớm có cuộc gặp với Ủy ban Cạnh tranh nước này (MyCC). Hai cơ quan này trước đó đã nhận được các báo cáo cho rằng, vụ sáp nhập có thể đã vi phạm luật cạnh tranh tại Singapore.

Bộ trưởng Nancy cho hay, trước khi công bố thương vụ sáp nhập, Grab đã có cuộc gặp với bà, trong đó họ khẳng định thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến cơ cấu giá cả của hãng tại Malaysia. Tuy nhiên, trước những gì xảy ra tại Singapore, SPAD và MyCC sẽ phải xem xét mọi khía cạnh liên quan để có thể đưa ra kết luận liệu thương vụ sáp nhập này có vi phạm Đạo luật cạnh tranh của Malaysia hay không.

Bà Nancy khẳng định, Malaysia sẽ không xem nhẹ việc này. MyCC sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Grab. Nếu như Grab có bất cứ động thái nào vi phạm, đặc biệt nếu như công ty này áp dụng mức giá không hợp lý hay tăng giá đột ngột, Đạo luật Cạnh tranh của Malaysia sẽ được thực thi. Quan điểm của Malaysia về thương vụ sáp nhập là rất rõ ràng.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng tại Malaysia cũng bày tỏ lo ngại rằng, thương vụ trên sẽ xóa bỏ sự cạnh tranh trong thị trường dịch vụ xe gọi, dẫn đến việc tăng giá và giảm chất lượng dịch vụ. Người tiêu dùng cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm nêu Grab có những vi phạm.

Trước đó, Ủy ban cạnh tranh Singapore cho biết, cơ quan này đã có bằng chứng để nghi ngờ rằng thỏa thuận mua mạng lưới dịch vụ của Uber trong khu vực Đông Nam của Grab “gây thiệt hại” cho sự cạnh tranh tại đảo quốc này. Cơ quan này đã tiến hành điều tra về giao dịch nói trên và đề xuất các biện pháp tạm thời yêu cầu cả Uber và Grab phải duy trì cách tính giá độc lập như trước thương vụ.

Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp của Singapore cũng ra yêu cầu Grab, Uber không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.

Thông báo của Ủy ban cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời, hai bên không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế.

Singapore cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab vi phạm điều khoản 54 của Luật Cạnh tranh, theo đó, cấm việc sáp nhập và thâu tóm về cơ bản làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường.

Thời gian tới, Chính phủ Singapore vẫn tiếp tục tính toán các biện pháp quản lý chặt chẽ Uber và Grab do lo ngại có sự độc quyền ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và các lái xe cũng như những hệ lụy khác do sự gia tăng của số lượng xe hơi như môi trường và kẹt xe. Theo đó, Singapore sẽ áp dụng các biện pháp cấp phép và thu phí đối với các hãng taxi công nghệ khi họ đạt đến một số lượng xe nhất định.

Mặc dù các quy định cụ thể phải đến cuối năm nay mới được đưa ra nhưng có thể thấy quyết tâm của Chính phủ Singapore trong quản lý chặt hơn nữa hoạt động của Uber và Grab.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore nhận định: "Quy định của chúng tôi không quá phiền hà. Các nhà khai thác dịch vụ như Uber, Grab đều đồng ý rằng đó là những quy định cần thiết để đảm bảo lợi ích của hành khách".

Cũng liên quan đến thương vụ sáp nhập của hai hãng, một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines đã thể hiện quan điểm của mình. Người đứng đầu Ủy ban cạnh tranh Philippines (PCC) Stela Luz Quimbo cho rằng, việc Uber chấm dứt dịch vụ là một sự “vi phạm rõ ràng” khi cơ quan này yêu cầu Uber và đối thủ lâu đời Grab phải hoạt động riêng rẽ cho đến khi PCC có được sự đánh giá hoàn tất về thương vụ sáp nhập.

Cơ quan này muốn tìm ra lý do tại sao một dàn xếp “chuyển tiếp” tại Singapore cho phép Uber tiếp tục hoạt động, trong khi điều tương tự không được thực hiện tại Philippines. PCC đã cho Uber và Grab thời hạn để giải thích việc chấm dứt dịch vụ (của Uber). Nếu như sự giải thích này không thỏa đáng, PCC có thể áp dụng mức phạt từ 50.000 – 2 triệu peso mỗi ngày đối với cả Uber và Grab.

Ủy ban Cạnh tranh của Philippines cho biết cơ quan này "sẽ giám sát chặt chẽ thỏa thuận giữa Grab và Uber do thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực đến các dịch vụ vận tải và giao thông công cộng".

Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Trong trường hợp nếu thị phần kết hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Trong những ngày qua, thị trường dịch vụ gọi xe tại Malaysia không có sự xáo động nhiều trước việc chấm dứt hoạt động của Uber. Tờ Freemalaysiatody cho hay, khách hàng tại Malaysia không phải lo lắng trước sự thiếu vắng này bởi họ có nhiều dịch vụ khác thay thế. Trong số các “đại gia” thế chân Uber, Platform Apps Sdn Bhd là một cái tên đáng chú ý với ứng dụng dịch vụ gọi xe MyCar.

Hãng này tự tin có thể lấp đầy khoảng trống mà Uber để lại. Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 2 với khoảng 2.000 lái xe, ứng dụng này hiện đã tăng cường sự hiện diện của mình lên rất nhiều sau khi có gần 10.000 lái xe từ Uber chuyển sang.

Sau thương vụ sáp nhập, trong những ngày qua, hoạt động của Grab tại Malaysia vẫn diễn ra bình thường. Thông báo của Grab cho thấy, mặc dù số lượng người sử dụng dịch vụ của hãng có tăng lên đáng kể do sự thiếu vắng của Uber, hãng vẫn đáp ứng được nhu cầu. Khách hàng không phải chờ đợi lâu khi sử dụng dịch vụ của Grab.

Về mức giá, khảo sát của phóng viên cho thấy, mức giá dịch vụ của Grab về cơ bản không có nhiều thay đổi. Nếu tính toán chi li, so với trước đây, giá cả có phần tăng nhẹ. Ví dụ mức giá một chiều cho cuốc xe từ quận Cheras (thủ đô Kuala Lumpur) đến thủ đô hành chính Putrajaya, khoảng 30 km, vào mức 53 – 57 ringgit gồm cả phí đường (1 ringgit tương đương 5.800 đồng), không chênh lệch nhiều so với giá cước taxi truyền thống.

Điều này cũng chưa thể dẫn đến kết luận Grab có động thái tăng giá hay chưa. Nhưng rõ ràng, so với giá cước trước đây, thường vào mức chưa đến 50 ringgit, mức giá mới đã có sự tăng nhẹ. Tất nhiên, Grab có thể lấy việc giá nhiên liệu tăng chút ít trong thời gian vừa qua để biện minh cho việc tăng giá của mình./.

>>> Hậu Grab thâu tóm Uber: Taxi Việt cần tập hợp để tạo sức mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục