Hà Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu

10:35' - 22/06/2017
BNEWS Là tỉnh biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang nhiều vùng có khí hậu cao, đặc thù có thể trồng được dược liệu mà các tỉnh vùng thấp, vùng đồng bằng không trồng được.
Chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu. Ảnh minh họa: TTXVN

Những năm gần đây, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là những ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dược liệu.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Nghị quyết 209/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành ngày 10/12/2015 về khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu; 100% lãi suất vay vốn để xây dựng vườn ươm giống dược liệu với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản.

Đặc biệt, Nghị quyết 209 cũng ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến dược liệu như hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) với thời gian hỗ trợ 60 tháng...

Với nhiều giải pháp linh hoạt, đến nay tỉnh Hà Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào phát triển dược liệu. Điển hình như: Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu, tiến hành trồng được 72 ha cây thảo quản, 10 ha cây dược liệu dưới tán rừng;

xây dựng xong Phòng khám bệnh y học cổ truyền, nhà điều hành và đang khẩn trương hoàn thành khu nhà phục vụ nghỉ ngơi du lịch.

Thảo quả là cây dược liệu phổ biến được đồng bào vùng cao Hà Giang trồng nhiều ở các huyện Vị Xuyên,Quản Bạ, Hoàng Su Phì. Ảnh: TTXVN

Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY cũng tiến hành trồng được 30 ha cây Đan sâm và Địa hoàng; liên kết với bà con dân tộc thiểu số địa phương trồng được 6 ha cây Đan sâm và Địa hoàng đến tháng 1/2018 cho thu hoạch.

Công ty phấn đấu mỗi năm trồng 600 ha giống cây dược liệu Đan sâm và Địa hoàng.

Cùng đó, Hà Giang cũng đã thu hút được Công ty Cổ phần Dược y tế và thương mại Bảo Châu, hiện nay Công ty đã xây dựng xong cơ sở vật chất nhà máy và đang bắt đầu triển khai hoạc động sản xuất các sản phẩm theo dự án đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Công ty DK Pharma đã giúp huyện Quản Bạ phát triển cây dược liệu trên địa bàn đạt hiệu quả.

Công ty giúp huyện Quản Bạ tạo dựng mô hình hợp tác xã sản xuất dược liệu tại các xã trên địa bàn với hình thức công ty giúp đỡ về kỹ thuật và góp vốn cổ phần vào hợp tác xã để trồng, chế biến dược liệu.

Qua một thời gian triển khai, vụ Atiso năm nay huyện Quản Bạ đã trồng được 5,6 ha Atiso. Do thời tiết thuận lợi, nên diện tích Atiso ở Quản Bạ sinh trưởng và phát triển tốt, hiện các hợp tác xã đã thu hoạch được gần 57 tấn lá Atiso tươi, nấu được gần 2.100 lít cao lỏng.

Ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang khẳng định rằng, Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn tỉnh, qua đó đã hình thành và xác định được hình thức liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Bước đầu đã có một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược liệu có hiệu quả.

Hiện nay Ban Chỉ đạo phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang cũng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để Cơ sở sản xuất y học cổ truyền Bông Sen Vàng khẩn trương tập trung hoàn thiện các hạng mục của nhà máy với tổng đầu tư khoàng 25 tỷ đồng.

Cơ sở sản xuất y học cổ truyền Bông Sen Vàng cũng đang khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất trà túi lọc có nguồn gốc dược liệu của tỉnh Hà Giang, dự kiến tháng 9/2017 hoàn thành (trong đó 80% xuất khẩu và 20% sử dụng trong nước).

Đến tháng 12/2017 cơ sở này phấn đấu sẽ đưa dây chuyền sản xuất thuốc viên nang y học cổ truyền vào hoạt động và đến năm 2019 sẽ đạt tiêu chuẩn nhà máy GMP-WHO.

Hà Giang cũng đang phối hợp với Công ty TH - True Milk khảo sát diện tích trồng dược liệu tại một số xã của huyện Hoàng Su Phì.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc phát triển chương trình dược liệu vẫn chưa ổn định, chưa thực sự vững chắc; việc xử lý, giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp còn hạn chế và lúng túng;

phát triển cây dược liệu đòi hỏi phải có sự đầu tư của một đơn vị cụ thể để đảm bảo chắc chắn đầu ra của sản phẩm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn cầm chừng, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào chế biến sâu.

Hơn nữa, quỹ đất công và có đủ điều kiện cho phát triển dược liệu còn hạn chế, hầu như không có, giá thuê đất của các doanh nghiệp với người dân ở mức cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Đặc biệt, giải pháp giải quyết sản xuất giống tại chỗ và ban hành quy trình kỹ thuật mới bắt đầu được triển khai, chưa đáp ứng được yêu càu sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, để khai thác có hiệu quả, bền vững, gắn giữa lợi ích của tỉnh, doanh nghiệp và người dân đối với tiềm năng dược liệu tỉnh đẩy mạnh công tác giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển dược liệu.

Cùng đó, hoàn thiện lại quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng cụ thể đến từng cây, từng vùng và từng doanh nghiệp. Gắn sản phẩm nông nghiệp, du lịch với dược liệu là động lực cho phát triển kinh tế.

Hỗ trợ với những cơ sở chế biến, xây dựng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm thuốc từ dược liệu.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân vùng phát triển trồng dược liệu về kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu. Khảo sát, kết nối việc cung ứng sản phẩm dược liệu tại thị trường Hà Nội ngay trong tháng 7/2017./.

Xem thêm:

>>>Chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu

>>>Giảm phụ thuộc vào dược liệu nhập khẩu: Bài toán khó cho ngành y tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục