Hà Nội: Còn vướng mắc trong quản lý, vận hành chung cư tái định cư

20:28' - 21/03/2018
BNEWS Những tòa tái định cư được xây dựng từ hơn chục năm qua, không có tầng hầm, không có diện tích kinh doanh tầng 1, đặc biệt là chất lượng xây dựng kém đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Ngày 21/3, tại buổi giám sát của Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư, nhiều vấn đề tồn tại, bất cập cũng như vướng mắc chủ quan và khách quan đã được các đại biểu chỉ rõ, đồng thời đề nghị các sở, ngành chức năng và đơn vị trực tiếp quản lý phải có giải pháp khắc phục mang tính hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đặc thù loại hình chung cư được đầu tư xây dựng từ rất nhiều năm qua.
Đánh giá của Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, thời gian qua, mặc dù vấn đề quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn đã nhiều lần được giám sát, kiểm tra và kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo giải quyết, song trên thực tế, việc khắc phục vẫn còn hạn chế, chưa xử lý dứt điểm và để xảy ra nhiều bức xúc trong dư luận mà trách nhiệm chính thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội.
Cụ thể, trong tổng số 166 tòa nhà tái định cư do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý với 14.211 căn hộ, đến nay vẫn còn 724 căn hộ đã được thành phố bố trí cho các hộ dân từ nhiều năm nay nhưng chưa đến làm thủ tục nộp tiền, nhận nhà; 376 căn bỏ trống chưa bố trí tái định cư. Đáng nói là nhiều tòa nhà đã định rõ diện tích sử dụng chung - riêng nhưng vẫn chưa bàn giao được diện tích sử dụng chung.

Hiện nay, trong tổng số 98 tòa nhà có diện tích sinh hoạt cộng đồng mới bàn giao được 80 tòa, còn 18 tòa chưa bàn giao do phải chờ kinh phí sửa chữa. Đối với 38 nhà còn lại phải bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng, Công ty mới đề xuất 17 tòa, 21 tòa nhà chờ thu hồi do cho thuê sử dụng sai mục đích.
Về quản lý diện tích kinh doanh tầng 1 của các tòa nhà này, Công ty còn để ra sai sót trong việc tự bố trí các đơn vị vào sử dụng khi chưa có chấp thuận của Sở Xây dựng Hà Nội. Một số cán bộ thiếu trách nhiệm cho các hộ dân tái định cư vào sử dụng căn hộ khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính và các thủ tục theo quy định.
Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, hiện nay mới có 67/127 tòa nhà đã tổ chức thành công Hội nghị nhà chung cư, 44 nhà đã tổ chức 2 lần Hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công, trách nhiệm này một phần cũng do các cấp chính quyền cơ sở chưa phối hợp với Công ty làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ lợi ích của việc thành lập Ban Quản trị.

Nhiều tòa nhà do kinh phí dành cho bảo trì còn rất hạn hẹp, không đủ cho việc sữa chữa, vận hành nên người dân không muốn thành lập Ban Quản trị mà chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thành phố bù đắp.

Đây cũng là một khó khăn lớn nhất là đối với những tòa tái định cư được xây dựng từ hơn chục năm qua, không có tầng hầm, không có diện tích kinh doanh tầng 1, đặc biệt là chất lượng xây dựng kém đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Để khắc phục những khó khăn trên, Công ty đề nghị UBND thành phố có biện pháp tháo gỡ đối với các tòa nhà đã bầu được Ban Quản trị để thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 02/2016/TT- BXD về việc chọn đơn vị quản lý, vận hành, vì một số Ban Quản trị mà Công ty đã họp để thương thảo ký hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhưng họ không lựa chọn Công ty và cũng không đề xuất đơn vị thay thế Công ty.

Ban Quản trị các tòa nhà đó đã tự ý thu phí dịch vụ điện nước, trả lương cho lực lượng bảo vệ và lao công trong tòa nhà mà Công ty vẫn phải thực hiện.
Về vấn đề này, Công ty đã có 2 văn bản báo cáo Sở Xây Dựng nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ, gây rất nhiều khó khăn về kinh phí quản lý vận hành, đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt phương án hỗ trợ cho bảo trì phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung và hỗ trợ một phần cho công tác quản lý vận hành nhà ở từ nguồn thu cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu của Nhà nước theo Điều 82 - Nghị định 99/2015/NĐ - CP của Chính phủ để Công ty có cơ sở thoả thuận giá dịch vụ với người dân khi chưa thành lập được Ban Quản trị.
Cũng theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, tổng kinh phí bảo trì của 112 tòa nhà chưa bàn giao cho Ban Quản trị là gần 57 tỷ đồng, với số chi phí bảo trì đã chi hơn 5,6 tỷ đồng thì tính đến ngày 31/12/2017 số dư tài khoản Công ty đang quản lý là 51,276 tỷ đồng. Đối với 25 tòa nhà đã bàn giao cho Ban Quản trị, sau khi trừ chi phí bảo trì đã chi, Công ty đã chuyển trả đủ số tiền bảo trì cho Ban Quản trị gần 24,3 tỷ đồng.
Giải trình về nguồn thu phí quản lý vận hành nhà chung cư, Công ty khẳng định số tiền thu được hàng tháng từ trông giữ xe và phí dịch vụ không đủ để trả tiền điện chiếu sáng và vận hành thang máy, vì vậy Công ty phải sử dụng cả nguồn thu cho thuê nhà tạm cư để lại để bù đắp khoản chi phí tối thiểu của công tác quản lý vận hành các tòa chung cư.../.

>>>Hà Nội tổ chức lại giao thông khu vực đại lộ Thăng Long


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục