Hà Nội di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích: Bài 2 - Trả lại không gian đẹp

07:32' - 23/07/2016
BNEWS Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhiều hộ dân đã được di dời, trả lại không gian đẹp và tôn nghiêm của di tích.
Đình Hà Vĩ, số 11 Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm có 4 hộ dân ở trong di tích, chiếm dụng không gian, bày ngổn ngang vật dụng trước cửa đình. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực (1/1/2002), với sự vào cuộc của chính quyền các quận và của thành phố Hà Nội, nhiều hộ dân đã được di dời, trả lại không gian đẹp và tôn nghiêm của di tích.

Theo Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, đến nay toàn thành phố đã tiến hành di dời các hộ dân tại 21 di tích, trong đó quận Hoàn Kiếm 10 di tích, quận Hai Bà Trưng 7 di tích và quận Đống Đa 4 di tích.

Nhiều di tích có số hộ dân ở đông, nhưng đã tổ chức di dời thành công như: Đình Kim Ngân, chùa Quan Đế, chùa quán Huyền Thiên, đình chùa Cầu Đông, chùa Vĩnh Trù, chùa Thiên Phúc, đình Đông Thành (quận Hoàn Kiếm), chùa Liên Phái, chùa Vua, chùa Chân Tiên, chùa Chân Tiên, chùa Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng), chùa Linh Ứng, chùa Huy Văn, chùa Quang Minh (quận Đống Đa)… 

Đến đình Đông Thành số 7 Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm), nhiều người ngỡ ngàng và không thể nhận ra nơi này từng là trụ sở của Đội quản lý thị trường số 2 và nơi sinh sống của 10 hộ dân.

Để di tích có diện mạo đẹp và khang trang như hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã di chuyển toàn bộ hộ dân và cơ quan ra khỏi di tích, đồng thời đầu tư tới 15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo lại di tích.

Chỉ trong 3 năm từ 2012 đến 2015, từ một di tích xuống cấp, bị biến dạng bởi sự tác động của cơ quan quản lý thị trường và các hộ dân, đình Đông Thành trở nên khang trang, tôn nghiêm hơn.

Bà Phạm Thị Gái, người trông coi di tích cho biết, trước đây người dân vào đình phải đi qua ngách số 4 Hàng Bút, không thể đi được phía cổng Hàng Vải vì Đội quản lý thị trường số 2 và các hộ gia đình lấn chiếm hết lối đi. Hậu cung chật hẹp, mỗi lần dâng lễ thắp hương phải trải chiếu xuống đất, chỉ đủ chỗ cho 2 – 3 người ngồi.

Năm 2005, hậu cung của đình đã từng bị sập, làm vỡ nhiều đồ thờ tự bên trong. Sau khi tu bổ, di tích đình Đông Thành đã rộng rãi, bề thế hơn, các bức tượng thờ cũng như hoành phi câu đối đều được phục chế lại.

Bà Phạm Thị Gái chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi đình cổ được phục hồi như ban đầu, nhân dân có nơi để đi lễ tốt hơn trước kia”.

Chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng di chuyển được 37 hộ dân ra khỏi chùa, trả lại không gian, cảnh quan cho di tích. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2008 đến nay, quận đã tổ chức di dời 200 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu tại 10 di tích. Đó là một cố gắng rất lớn của quận, bởi để giải quyết được quỹ nhà cho các hộ này là vấn đề nan giải, tiếp đến là kinh phí bồi thường cho việc di chuyển. Tính trung bình, kinh phí bỏ ra cho mỗi hộ di chuyển khoảng 1,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều hộ ở mặt phố không muốn di dời đi nơi khác do khu vực phố cổ dễ kinh doanh, kiếm sống. Quận Hoàn Kiếm chủ trương trong năm 2016 này di dời tiếp các hộ dân sống trong di tích đình Hà Vĩ, đình Trung Yên.

Bà Phạm Thị Hiền, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin quận Hai Bà Trưng cho biết, quận rất quan tâm di dời các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích. Thời điểm này, quận đã hoàn thành việc di dời hộ dân ra khỏi di tích như chùa Chân Tiên, đình đền Đông Hạ, chùa Vân Hồ.

Ngoài nguồn kinh phí của quận, nhiều nhà chùa cũng thực hiện xã hội hóa, tự di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích. Điển hình như chùa Thọ Lão, nhà chùa chủ động di dời 3 hộ dân bằng nguồn vốn tự có; chùa Đức Viên cũng huy động nguồn vốn xã hội hóa cùng quận Hai Bà Trưng di dời các hộ dân, tạo sự đồng thuận cao trong dân.

Theo bà Hiền, hầu như các di tích đều giải phóng mặt bằng đến hai, ba lần vì phải chia giai đoạn, không thể thực hiện cùng lúc. Trừ cụm chùa Quang Hoa – Pháp Hoa – Thuyền Quang có số hộ dân đông, sẽ giải quyết từng bước một. Còn di tích chùa Liên Phái, việc di dời các hộ dân phải thực hiện lần thứ ba; chùa Vua cũng phải hai lần di dời các hộ dân.

Tại chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng) sau khi di chuyển các hộ dân, nhà chùa đã tu bổ lại không gian di tích và hiện nay trở thành di tích có kiến trúc hài hòa, cảnh quan đẹp, khuôn viên rộng.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Liên Phái cho hay, từ khi hòa thượng về đây năm 1997, khu vực chùa có hơn 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu sinh sống.

Nhà dân xây dựng sát cửa chùa không thể mở được cửa ra vào khu thờ tự, duy nhất cánh cửa bên phải chùa là có thể ra vào. Rồi cả hiên nhà Mẫu, vườn tháp, nhà tăng đều bị người dân chiếm dụng xây nhà.

Hòa thượng Thích Gia Quang ngay lập tức tìm cách để di chuyển hộ dân ra khỏi di tích, đồng thời tu bổ, tôn tạo lại di tích. Sau hai lần di chuyển năm 1997 và 2002, 37 hộ dân đã được di dời khỏi di tích, chỉ còn 7 hộ chưa di dời được. Hòa thượng cho biết, với các hộ còn lại, nhà chùa đang kiến nghị với quận Hai Bà Trưng đưa vào kế hoạch giải tỏa năm 2016 – 2017./.

(Còn nữa)

Xem tiếp>>> Hà Nội di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích: Bài 3 – Khó khăn về nguồn lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục